Thứ Sáu, 22/11/2024 14:21:36 GMT+7
Lượt xem: 2109

Tin đăng lúc 11-09-2023

Tìm bước đi phù hợp để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành Da giày

Ngành Da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các Hiệp định thương mại, nhưng việc có thể tận dụng được hay không thì cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu trong nước.
Tìm bước đi phù hợp để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành Da giày
Ngành Da giày Việt Nam phải phát triển CNHT sản xuất nguyên, phụ liệu cho sản xuất da giày

Ngành Da giày gặp khó trong việc tìm nguồn nguyên phụ liệu

 

Da giày được xác định là một trong các ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước; có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; giữ vững vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm da giày hàng đầu thế giới.

 

Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, ngành Da giày dù đang đứng trước những cơ hội lớn từ các Hiệp định thương mại như: CPTPP, EVFTA… nhưng việc có thể tận dụng được hay không thì cần phải phát triển CNHT, nguyên phụ liệu trong nước. 

 

CNHT ngành Da giày vẫn bị đánh giá là còn điểm yếu. Các báo cáo cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giày dép của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Giày dép. Trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khoảng 300 triệu đô la Mỹ nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp này.

 

Trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75%, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40 - 45%. Toàn ngành có 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp, khiến cho các nhà sản xuất da, giày khó chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu.

 

Nguyên phụ liệu cho ngành mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của ngành đạt được không cao. Hàng năm, các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu các phụ liệu như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…

 

Đẩy mạnh phát triển CNHT da giày

 

Ngành Da giày Việt Nam đang hội nhập khá sâu vào nền kinh tế thế giới và tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu của sản phẩm da giày. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành Da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của công nghiệp hỗ trợ ngành Da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.

 

Vì thế, các chuyên gia kinh tế có chung nhận định, không cách nào khác, ngành Da giày Việt Nam phải phát triển CNHT sản xuất nguyên, phụ liệu cho sản xuất da giày.

 

 

Doanh nghiệp CNHT da giày cần được ưu đãi về vốn và chính sách

 

Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

 

Theo đó, giải pháp phát triển nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất đối với ngành Da giày bao gồm: Đầu tư phát triển ngành Da giày gắn với hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa sự dịch chuyển sản xuất từ các nước trong khu vực và trên thế giới; khuyến khích thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành Da giày; Khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài xây dựng các dự án đầu tư sản xuất các mặt hàng nguyên, vật liệu khuyết thiếu. Ưu tiên thu hút các dự án sản xuất da thuộc sinh thái thân thiện môi trường; các dự án sản xuất giầy da chất lượng cao; Triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư tại các thị trường tập trung đông doanh nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu da giầy; xây dựng danh sách các doanh nghiệp chủ sở hữu các thương hiệu sản xuất da thuộc, nguyên liệu mũ da, túi xách lớn của thế giới nhằm tập trung xúc tiến các doanh nghiệp này đầu tư vào Việt Nam; chuẩn bị sẵn sàng thông tin đầu tư, thông tin về các dịch vụ tại địa phương, quỹ đất dành cho các dự án đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất nguyên, phụ liệu da giày.

 

Đứng trước mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành Da giày, Việt Nam cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh phát triển CNHT ngành Da giày, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Các chuyên gia về lĩnh vực da giày cho biết, doanh nghiệp trong ngành Da giày cần lưu ý đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, vì hiện nay, một lượng nguyên liệu lớn cho ngành vẫn phải nhập khẩu.

 

Theo đại diện Bộ Công Thương, ngành Da giày hiện nay theo xu hướng thời trang thay đổi liên tục, do đó cần phát triển CNHT da giày phù hợp với xu thế. Bộ Công Thương sẽ có hỗ trợ chính sách, còn doanh nghiệp da giày cần tìm hiểu thông tin để hiện thực hóa hiệu quả các chính sách này rất cần thiết, nằm bắt kịp thời cơ hội từ các Hiệp định thương mại trong thời gian tới.

 

Phạm Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang