Thứ Năm, 07/11/2024 10:31:29 GMT+7
Lượt xem: 3342

Tin đăng lúc 03-09-2016

Ngành Dầu khí “được mùa”

Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ngành Công Thương có 3 công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 năm 2016, tất cả đều thuộc lĩnh vực dầu khí.
Ngành Dầu khí “được mùa”
Phát triển thị trường khoa học công nghệ sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ vào sản xuất

Nâng cao vị thế

 

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 được trao cho 16 công trình, cụm công trình. Trong đó, ngành Công Thương có 2 công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm: “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”, “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam”; 1 công trình đạt Giải thưởng Nhà nước: “Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam”.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Tiến sĩ Đỗ Quốc Quang - Thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lĩnh vực dầu khí - cho biết: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN 5 năm xét tặng một lần, được xét tặng cho các công trình mang tính tiêu biểu về KH&CN. Là người công tác trong ngành Công Thương 40 năm, tôi rất phấn khởi vì một số công trình trong lĩnh vực dầu khí đã được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2016. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với sự đóng góp trong nhiều năm qua của các nhà khoa học và đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân dầu khí nói riêng và ngành Công Thương nói chung.

 

“Các công trình của ngành Công Thương đạt giải thưởng năm nay có ý nghĩa rất lớn đối với nền khoa học nước nhà. Đặc biệt, công trình giành Giải thưởng Hồ Chí Minh vê “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”, đã đưa Việt Nam trở thành một trong 5 nước trên thế giới có thể tự đóng được giàn khoan tự nâng và qua đó, chắc chắn vị thế của khoa học Việt Nam sẽ được nâng cao trong cộng đồng KH&CN quốc tế”, Tiến sĩ Đỗ Quốc Quang nhấn mạnh.

 

Động lực lớn

 

Tiến sĩ Đỗ Quốc Quang cho hay, các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật và công nhân của các tập thể đã đạt được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2016, phần lớn có tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ. Ví dụ, khi công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” được công bố, tuổi đời trung bình của tập thể tác giả mới ngoài 30.

 

“Việc giành được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN sẽ tạo động lực lớn cho các tập thể, cá nhân trong quá trình chinh phục các đỉnh cao KH&CN mới”, Tiến sĩ Đỗ Quốc Quang bày tỏ.

 

Chia sẻ với phóng viên, Kỹ sư Phan Tử Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí, đồng tác giả cụm công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” - khẳng định: Giải thưởng Hồ Chí Minh là một sự khuyến khích lớn đối với những người thợ cơ khí của Việt Nam nói chung và những người thợ dầu khí nói riêng, để chúng tôi tiếp tục phấn đấu, tìm tòi thiết kế, xây dựng những công trình khác lớn hơn, phức tạp hơn và mang lại hiệu quả cao hơn.

 

 

Những công trình đạt giải thưởng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đất nước tiết kiệm lượng ngoại tệ lớn và giúp ngành dầu khí chủ động phát triển bằng nguồn nội lực sẵn có.

 

 

Theo Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang