Thứ Sáu, 13/09/2024 04:53:42 GMT+7
Lượt xem: 5214

Tin đăng lúc 04-08-2015

Ngành dệt may đề xuất tăng lương tối thiểu vùng

Chiều 3/8, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức họp báo về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, theo đó, lương tối thiểu các vùng dự tăng 150.000-200.000 đồng mỗi mức, tức là tăng 6% so với mức hiện có.
Ngành dệt may đề xuất tăng lương tối thiểu vùng
Mức lương tối thiểu của ngành Dệt may hiện đã đáp ứng 90% mức sống của người lao động.

Ngành Dệt may Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ. Sáu tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 12,06 tỷ USD tăng 9,4% so với cùng kỳ 2014. Năm 2015, ngành Dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 27,5 tỷ USD. Bên cạnh vị trí là ngành công nghiệp đóng góp kim ngạch xuất khẩu nhất, nhì cả nước, ngành Dệt may còn tạo việc làm cho gần 3 triệu lao động, đóng góp vào việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo nhằm đảm bảo an sinh xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tại các vùng đồng bằng, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp (DN) dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc tăng tiền lương tối thiểu.

 

Phát biểu tại họp báo, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm cho biết mặc dù là ngành công nghiệp đóng góp kim ngạch xuất khẩu nhất, nhì cả nước nhưng hiện nay, DN Dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức như sức ép cạnh tranh về đơn hàng, giá điện, than, phí và phụ phí. Đặc biệt, tăng lương tối thiểu vùng chỉ tính từ 1/1/2010 đến nay đã tăng 2,2 - 2,3 lần.Việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm đi đôi với tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Hiện nay, DN phải trích nộp 22% (BHXH 18%, BHYT 3%, BHTN 1%) và 2% kinh phí công đoàn, người lao động phải đóng 10,5% (BHXH 8%, BHYT 1,5%, BHTN 1%) và 1% đoàn phí nếu là đoàn viên công đoàn. Số tiền người lao động đóng thực chất DN cũng phải lo để người lao động có tiền lương thực tế đủ trang trải, cải thiện cuộc sống và gắn bó với DN. Khi lương thiểu vùng 2016 tăng mức đóng sẽ tăng lên tương ứng. Đặc biệt, theo luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 01/01/2018 thì mức đóng sẽ căn cứ vào tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Số tiền này sẽ còn tăng thêm khoảng 30%. Việc tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao và duy trì tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cao như hiện nay cũng là một nguyên nhân khiến nhiều DN làm ăn thua lỗ, trốn đóng, chậm đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

 

Ông Cẩm đề xuất: "Lương tối thiểu vùng năm 2016 nên tăng khoảng 6% (tương đương vùng 1 tăng 200.000 đồng, các vùng còn lại tăng 150.000 đồng) là hợp lý”. Các năm 2017 và 2018 mỗi năm tăng khoảng 7% (tương đương vùng 1 tăng 250.000 đồng, các vùng còn lại tăng 200.000 đồng). Như vậy, đến năm 2018, lương tối thiểu vùng cơ bản đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.

 

Hiện nay cả nước có khoảng 483.000 DN đang hoạt động, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và gần 70% DN kinh doanh không có lãi. “Chúng tôi ủng hộ việc tăng lương, đứng trên quan điểm tăng thu nhập của người lao động, tuy nhiên, Nhà nước cần nghiên cứu, tính toán lại để có mức tăng phù hợp nhằm giúp DN có điều kiện tồn tại và phát triển”, ông Cẩm nêu ý kiến.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang