Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - phân tích, từ khi Việt Nam mở cửa đón nhận các nhà đầu tư, riêng ngành công nghiệp dệt may đã thu hút hơn 2 nghìn nhà đầu tư đầu tư nước ngoài đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng vốn đầu tư 15,747 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với trên 4,4 tỷ USD, tiếp đến là Đài Loan 2,5 tỷ USD, Hong Kong 2,1 tỷ USD, Nhật Bản 789 triệu USD.
Đầu năm 2018, Tập đoàn Itochu Nhật Bản đã chi 47 triệu USD để mua gần 10% cổ phần Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Trước đó Itochu đã sở hữu gần 5% cổ phần Vinatex, tương đương hơn 9 triệu USD. Vinatex là một doanh nghiệp dệt may lớn với 200 doanh nghiệp thành viên đang sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Việc Itochu tiếp tục rót vốn vào tập đoàn này không chỉ dừng ở vai trò khách hàng mà còn tham gia sâu hơn vào định hướng phát triển sản xuất, công tác quản trị. Điều này sẽ là nhân tố thúc đẩy Vinatex gia tăng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Đáng lưu ý, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào ngành dệt may những năm gần đây đã có sự cải thiện về chất. Một số dự án có quy mô vốn lớn đầu tư vào khâu dệt nhuộm hoàn tất như: Dự án Nhà máy dệt và may trang phục Ramatex Nam Định của Công ty TNHH Herberton (Singapore) với tổng giá trị 80 triệu USD; dự án Nhà máy YKK Hà Nam chuyên sản xuất các loại khóa kéo, các sản phẩm có liên quan trong ngành may mặc với công suất 420 triệu sản phẩm/năm…
Cũng theo lãnh đạo Vitas, một trong những nguyên do khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngày một quan tâm đến dệt may Việt Nam là do chi phí nhân công còn thấp. Thực tế, những năm gần đây, xu hướng chuyển dịch sản xuất, chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam ngày một rõ ràng khi lợi thế giá nhân công tại Trung Quốc không còn cạnh tranh.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do không chỉ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp trong nước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mà còn lấp dần nguồn cung nguyên phụ liệu đang thiếu hụt. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực là cơ hội để tăng cường xuất khẩu vào những thị trường trong khối với quy mô nhập khẩu hàng dệt may lên tới 40 tỷ USD mỗi năm. Chỉ tính riêng trong khối, mức tăng trưởng xuất khẩu của ngành cũng được dự báo tăng tới 3%.
Tuy nhiên, để ngành dệt may vững vàng tiếp nhận nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, khai thác triệt để dư địa và lợi thế cho tăng trưởng xuất khẩu, đại diện Vitas cũng đề nghị: Chính phủ, Bộ Công Thương sớm hoạch định Chiến lược dệt may Việt Nam đến năm 2040, quy hoạch khu công nghiệp dệt may chuẩn mực về xử lý chất thải, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; tạo nền tảng chính sách ổn định, giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư manh mún, cạnh tranh lao động không lành mạnh.
Năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may tăng 10%, đến từ các doanh nghiệp Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Hồng Kông, Thái Lan...
|
Theo Báo Công Thương điện tử