VITAS cũng cho biết, hiện đã có hơn 70 doanh nghiệp trong ngành, trong đó có nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia cùng ký cam kết chung để đạt được tầm nhìn và mục tiêu bền vững ngành Dệt May Việt Nam.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS, Uỷ ban Bền vững thuộc VITAS với thành viên và đối tác đến từ nhiều tổ chức, nhãn hàng và doanh nghiệp dệt may đã đưa ra cam kết tầm nhìn và mục tiêu để cải thiện tính bền vững trong toàn ngành. Đây cũng là ý thức và trách nhiệm chung của ngành Dệt May Việt Nam đóng góp vào việc cải thiện hệ sinh thái nguồn tài nguyên nước, khí hậu, môi trường trên Thế giới chung và Việt Nam nói riêng.
Ngành Dệt May Việt Nam sẽ không cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về chất lượng, công nghệ, năng suất, thời gian giao hàng, minh bạch, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên, môi trường; đầu tư công nghệ hiện đại, bắt kịp xu thế của ngành thời trang thế giới, đáp ứng chuẩn mực quốc tế về lao động và môi trường theo tư vấn của các tổ chức đánh giá toàn cầu, trong đó có Better Work; gắn kết với các nhãn hàng quốc tế trên tinh thần hợp tác cùng thắng, cùng chia sẻ trách nhiệm rủi ro.
Cam kết Hành động chung này thể hiện sự đồng thuận của các tổ chức và công ty thành viên của Uỷ ban Bền vững thuộc Hiệp hội Dệt May Việt Nam cùng hành động để đạt được mục tiêu bền vững ngành Dệt May Việt Nam.
Lê Minh