Mức tăng này chậm hơn so với mức tăng trưởng xuất khẩu của những năm trước đó. Ngoài các yêu cầu về giá, chất lượng, tiến độ, nhiều yêu cầu mới được các nhà mua hàng lớn đặt ra, là những thách thức của ngành dệt may.
Đặc biệt, với các đặc trưng mới của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, chỉ có các doanh nghiệp tham gia chính thức vào chuỗi, được doanh nghiệp đầu chuỗi đánh giá mới có khả năng có được đơn hàng sản xuất ổn định, giá cả hợp lý nhất.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, những thách thức của thị trường đòi hỏi doanh nghiệp dệt may phải tập trung tái cấu trúc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng thương hiệu.
“Năm 2020, chúng tôi cũng đánh giá là một năm cũng rất là khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Chúng tôi vẫn tăng cường việc tái cấu trúc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạn chế tối đa những lãng phí về thời gian mà không tạo ra giá trị. Thương hiệu truyền thống như Tổng công ty may 10 chúng tôi phải có những phương hướng nhiệm vụ rất cụ thể thì mới có thể trụ vững và phát triển”, ông Thân Đức Việt cho hay.
Năm 2020, chúng tôi cũng đánh giá là một năm cũng rất là khó khăn của ngành dệt may Việt Nam
Từ các đặc điểm mới của thị trường dệt may thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu và các đặc điểm riêng của Việt Nam, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, nếu như các doanh nghiệp không có những hướng đi, chiến lược riêng trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng biến động khó lường, thì trong năm 2020 khó khăn sẽ còn tái diễn.
“Vai trò của chuỗi cung ứng toàn cầu và người nắm chuỗi cần phải hiểu thật chính xác không phải là trong một chuỗi cung ứng các thành viên có vai trò và quyền lực như nhau, cho nên trong từng tình huống cụ thể mình mới có thể xử lý được quyết định làm vải hay không làm vài, làm vải chủng loại gì, làm ở quy mô nào?”, ông Trường phân tích.
“Mục tiêu là làm ra thêm cái gì để tăng năng lực cạnh tranh chứ không phải chỉ đáp ứng quy tắc xuất xứ; Phải đưa năng lực cạnh tranh tiến lên. Nếu ta tiếp cận theo hướng thiếu vải thì làm vải. Đó không phải là năng lực”, ông Trường nói.
Ngành dệt may Việt Nam xác định các mục tiêu của năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2020-2025 với các chỉ tiêu cụ thể như duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 5 năm tới ở mức 6%; thực hiện chiến lược xanh hoá ngành dệt may; nâng cao chất lượng môi trường làm việc và thu nhập cho người lao động./.
Theo VOV