Các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là thị trường truyền thống và đứng đầu trong danh sách nhập khẩu hàng dệt may nước ta. Năm 2014, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất và quan trọng nhất đối với ngành công nghiệp dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may nước ta vào Hoa Kỳ là rất khả quan, tăng 12,6% so với năm 2013.
Cùng với các quốc gia cạnh tranh khác trên thị trường Hoa Kỳ thì Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng dẫn đầu với hai con số, trong khi Trung Quốc tăng nhẹ gần 1%, Ấn Độ khoảng 6%. Đứng thứ hai là thị trường EU, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước ta sang EU tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Điều này thể hiện dệt may nước ta đang đạt tăng trưởng tốt trên thị trường EU, tổng thị phần của dệt may Việt Nam tại EU đạt 1,98%. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2014 của Việt Nam vào Nhật Bản, tăng 9% so với năm 2013. Nếu như năm 2013, tại thị trường Nhật Bản, thị phần xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc chiếm 70,75%, Việt Nam chiếm 6,01%, thì năm 2014, thị phần của Trung Quốc đã giảm xuống còn 67,22%, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp khác tăng thị phần, trong đó, Việt Nam tăng lên 6,61%. Điều này cho thấy, hàng hóa dệt may của Việt Nam đang được thị trường Nhật Bản ưa dùng và đón nhận.
Với thị trường Hàn Quốc, thì năm 2014, xuất khẩu hàng dệt may của nước ta sang Hàn Quốc tăng 27% so với năm 2013. Thị phần hàng dệt may Việt Nam tại Hàn Quốc đạt 16,4%, tăng so với năm 2013 là 2,1%. Trong khi Trung Quốc đạt 43,44%, giảm 1,59%, còn lại thị phần của các nước khác như Myanma, Hoa Kỳ, Italia,… tăng dưới 0,5% so với năm 2013. Để có được những kết quả thuận lợi đó, ngành Dệt may đã phải không ngừng nắm bắt nhạy bén diễn biến thị trường trong và ngoài nước… Ngoài ra, ngành Dệt may đã bám sát tốt vào bốn yếu tố: Chất lượng, giá cả, tốc độ cung ứng sản phẩm cho thị trường và khả năng giải quyết các vấn đề dịch vụ sau bán hàng.
Với những thành quả đã đạt được của Ngành Dệt may Việt Nam trong năm 2014, bước sang năm 2015, ngành Dệt may có kế hoạch xuất khẩu từ 28 – 28,5 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ngành Dệt may Việt Nam đã đưa ra hàng loạt những giải pháp. Ngành đã và đang xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực, trong đó Tập đoàn Dệt may Việt Nam là đầu mối liên kết các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, cải thiện tiền lương, điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội cho người lao động. Bên cạnh đó, ngành Dệt may sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, ngoài các bạn hàng truyền thống, sẽ vươn ra phát triển tại một số thị trường tiềm năng như Canada, Nga… Đồng thời, dành một phần kinh phí từ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, các nguyên liệu mới, nâng cao năng lực tư vấn và khả năng thiết kế sản phẩm.
Hy vọng, với những kết quả đạt được, cùng với định hướng căn cơ, bài bản, năm 2015 sẽ là một năm thắng lợi toàn diện của ngành Dệt may Việt Nam.
Tuấn Anh