1 - Nhà máy Dệt Nam Định (nay là Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định) vinh dự được 03 lần đón Bác về thăm
- Lần 1: Ngày 24/4/1957, thăm và nói chuyện với công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định, Bác nhấn mạnh: "Mình là chủ phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Phải theo gương công nhân các nước bạn, yêu máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình. Đó là làm chủ xứng đáng. Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy”.
- Lần 2: Ngày 15/3/1959, nhân dịp Bác Hồ về kiểm tra chống hạn ở tỉnh Nam Định, biết nhà máy Dệt Nam Định đang gặp khó khăn, Bác Hồ đã dành thời gian về thăm. Đón Bác hôm đó có đồng chí Trần Đại Tần (Bí thư Đảng ủy) cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ, các chỉ ủy viên của các chi bộ tại hội trường nhà ăn phúc lợi Dệt.
Căn dặn Đảng uỷ Nhà máy Dệt cần làm tốt công tác cải tiến quản lý xí nghiệp, công tác phát triển Đảng, Đoàn. Người đã nói: “Cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đoàn viên thanh niên cũng như cán bộ công đoàn phải xung phong gương mẫu. Nội bộ lãnh đạo phải đoàn kết nhất trí, cán bộ phải đi vào công nhân, phải sắp xếp công việc để mỗi tuần tham gia lao động một ngày. Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thật sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng”.
Mũ, quần áo, đôi dép Hồ Chủ tịch mặc về thăm Nhà máy ngày 15/3/1959
- Lần 3: Từ ngày 15/5 -21/5/1963, tại hội trường Nhà máy Liên hiệp Dệt Nam Định đã diễn ra đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Nam Định. Ngày 21/5, ngày cuối của Đại hội, Bác Hồ đã dành thời gian quý báu đi thăm nhà máy, điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt và cũng là phần thưởng cho nhà máy như lời hứa khi Bác về thăm lần đầu vào năm 1957.
2- Xưởng May 10 (nay là Tổng Công ty May 10) vinh dự được đón Bác về thăm ngày 08/01/1959 và 02 lần may áo tặng Bác
Ngày 08/01/1959, do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sản xuất, Xưởng May 10 vinh dự được đón Bác về thăm và ngày 24/2/1959, Bác gửi thư khen ngợi. Đầu năm 1960, sau khi nghe Tổng cục Hậu cần báo cáo thành tích thi đua của May 10, Bác rất vui và tặng thưởng cho cán bộ và công nhân May 10 lá cờ thêu dòng chữ vàng: “Đơn vị thi đua tiên tiến". May 10 cũng vinh dự được 02 lần may áo biếu Bác: Lần thứ nhất năm 1959; lần thứ hai năm 1969 sau khi Người ra đi vào cõi vĩnh hằng. Đến thời điểm này May 10 còn vinh dự được thêm 03 lần may phục chế bộ quần áo của Bác Hồ để tặng, trưng bày ở Bảo tàng.
Khi thăm xưởng sản xuất, Bác ân cần căn dặn: "Các cô, các chú phấn đấu giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh..”. Người nhắc nhở phải tiết kiệm trong sản xuất: "Sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống", “…các cô, các chú hãy chú ý đến cải tiến máy móc thiết bị, máy móc dù có tối tân đến đâu nếu ta cố gắng suy nghĩ thì có thể cải tiến cho tốt được…”.
Sau ngày Bác về thăm, với tất cả tấm lòng thành kính, CBCNV đã may bộ áo biếu Bác kèm theo bức thư của công nhân, quân nhân, nhân viên xưởng May 10. Sau đó, Bác viết thư gửi hồi đáp, trong thư Bác đã khen ngợi Xưởng May 10 có những tiến bộ về “đoàn kết thân ái”, “liên tục thi đua”, “cải tiến kỹ thuật”, “tăng gia sản xuất” và “thực hành tiết kiệm”. Bác nhắn nhủ toàn thể CBCNV May 10 phải ghi nhớ “Tư tưởng thông thì công việc tốt”.
Cờ thi đua Bác Hồ tặng May 10 năm 1960
3- Nhà máy Dệt Kim Đông Xuân (nay là Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân) vinh dự được đón Bác về thăm ngày 15/5/1959
Ngày 15/5/1959, trao đổi với CNLĐ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân về nắm bắt khoa học kỹ thuật để phục vụ cho sản xuất, Bác đã căn dặn: “Các cháu là những người đã tham gia kháng chiến, được Nhà nước giao cho phụ trách máy móc, các cháu phải học hỏi để nhanh chóng nắm được khoa học kỹ thuật, sản xuất được nhiều sản phẩm năng suất chất lượng tốt nhất, giá thành rẻ nhất để phục vụ Nhân dân, làm giàu cho đất nước”.
Bác thăm Nhà máy Dệt Kim Đông Xuân năm 1959
4- Nhà máy Dệt 8/3 (Nay là Công ty TNHH MTV Dệt 8-3) vinh dự được đón Bác về thăm ngày 08/3/1965
Ngày 08/3/1965, Bác Hồ đến thăm Nhà máy Dệt 8/3 trong ngày khánh thành. Đây là công trình xây dựng có phần vốn đóng góp của phụ nữ và hiện đại nhất miền Bắc vào thời điểm đó. Nhà máy được đặt tên theo Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Người nhắc nhở: “Nhà máy Dệt 8-3 ra đời là thành quả đổi bằng mồ hôi, xương máu của bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do, lại được mang tên Ngày Quốc tế phụ nữ, vì vậy mỗi cán bộ, công nhân, viên chức nhà máy phải làm việc hết sức mình để xứng với niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao đó”.
Lời động viên, dặn dò của Người tuy giản dị và mộc mạc nhưng lại in sâu vào tâm trí của mỗi người lao động trong ngành. Thế hệ hôm nay càng thêm yêu, thêm kính trọng tấm lòng của Bác, coi đó là lời động viên, khuyến khích trong mọi hoạt động lao động sản xuất. Mỗi độ tháng 5 về, nhớ về Bác Hồ kính yêu, chúng ta nhớ về một tấm gương trong sáng có nhân cách, phẩm chất đạo đức và lối sống giản dị, quyết tâm, đương đầu với khó khăn, gian nan, vất vả, luôn bền tâm, vững chí tin tưởng vào tương lai. Soi mình vào tấm gương của Bác chúng ta phải biết phấn đấu, rèn luyện bản thân mình trong cuộc sống, xứng đáng với công lao to lớn của Người.
NTT