Thứ Sáu, 22/11/2024 22:40:57 GMT+7
Lượt xem: 3969

Tin đăng lúc 23-07-2016

Ngành dệt may nỗ lực đạt mục tiêu cuối năm

Mặc dù được coi là mặt hàng mũi nhọn trong xuất khẩu nhưng hết nửa đầu năm 2016, ngành dệt may không đạt được con số tăng trưởng như kỳ vọng. Liệu trong nửa cuối năm nay, các doanh nghiệp (DN) dệt may có giải pháp gì để giữ vững mức tăng trưởng?
Ngành dệt may nỗ lực đạt mục tiêu cuối năm
Ngành dệt may nỗ lực đạt mục tiêu cuối năm. Ảnh Internet

Tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm

 

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may của nước ta đạt 12,666 triệu USD, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 41% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì đây là 6 tháng có mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

 

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng có 3 nguyên nhân chính làm kéo giảm mức tăng trưởng của dệt may. Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Dương, là do chính sách ổn định tỉ giá (không theo cơ chế thị trường) của đồng Việt Nam so với USD đã làm hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn từ 10-16% và mất khả năng cạnh tranh với các nước.

 

Ngoài ra, việc tiền lương tối thiểu tăng làm tăng chi phí đầu vào cùng với việc lãi suất ngân hàng cao làm tăng chi phí sử dụng vốn cũng là những nguyên nhân ông Dương đề cập đến.

 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, nguyên nhân “số 1” khiến dệt may tăng trưởng thấp là do chi phí đầu vào cao, lương tối thiểu liên tục tăng… khiến sức cạnh tranh của DN dệt may với các nước trong khu vực kém.

 

“Chưa kể, trong khi một số nước có sản phẩm dệt may xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Việt Nam chưa có hiệp định thương mại với họ nên khi Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế phòng vệ thương mại với sản phẩm sợi thì ta coi như mất luôn thị trường này, mặc dù đây là thị trường lớn.

 

Việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) cũng có tác động ngay lập tức tới Việt Nam, các DN có đơn hàng với Anh bị hạ giá và hủy hợp đồng rất nhiều, một số nhà đầu tư của Anh có ý định bán nhà máy tại Việt Nam”, ông Vũ Đức Giang nói.

 

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm, nếu những năm trước, đến thời điểm này nhiều DN đã có những đơn hàng ký đến hết năm thì bây giờ không còn nữa. Thậm chí, nhiều DN chỉ có đơn hàng đến hết tháng 8. Hầu hết các chủ hàng đều yêu cầu giảm giá (tính theo USD) 10-15%, thậm chí đến 20% mới ký hợp đồng.

 

Tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho rằng, nguyên nhân khách quan là do nền kinh tế thế giới biến động dẫn đến việc Việt Nam gặp khó khăn là không thể tránh khỏi.

 

“Mặc dù hầu hết DN đều đang kỳ vọng vào những lợi ích do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại nhưng trong lúc chờ đợi thì ta lại đang chứng kiến các nước không thuộc TPP như Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc chuẩn bị rất kỹ để “chiến đấu” với chúng ta, vì thế sức cạnh tranh lại càng lớn.

 

Trước tình hình này, ta phải tiết kiệm, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện năng, tận dụng những thứ thiên nhiên mang cho, chăm lo cho đời sống người lao động với mục tiêu chung là tăng năng suất lao động. Nếu cứ tiếp tục không có hợp đồng như thế này sẽ có hàng loạt nhà máy đóng cửa”, bà Huyền nói.

 

Mặt khác, Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho rằng các DN may hiện nay tương đối mạnh nên cần ưu tiên cho những nhà máy dệt, nhuộm (cam kết không làm ô nhiễm môi trường) và hạn chế cấp phép xây nhà máy may cho các DN mạnh. Bởi, theo bà Huyền, “nếu cứ đổ xô vào tranh chấp nhau thì tất cả cùng chết”, quá nhiều nhà máy may mà không có nhà máy dệt, nhuộm thì chúng ta không thể tham gia TPP được.

 

“Chúng tôi đề xuất Chính phủ và các bộ, ban, ngành nghiên cứu, nếu có thể hỗ trợ gì thì hãy hỗ trợ ngay lập tức cho các DN, nếu không thì sẽ khiến cho chính sách bị "trễ". Trong khi đó, đặc thù của ngành may là “dễ đến, dễ đi”, chỉ cần không có đơn hàng là nhà máy đóng cửa rất nhanh”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ.

 

Nói về các thị trường xuất khẩu 6 tháng cuối năm nay, ông Vũ Đức Giang thông tin, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của dệt may Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5,46 tỷ USD, tăng 6,5% so với 6 tháng cùng kỳ năm ngoái. Cuối năm nay, khi triển vọng kinh tế Hoa Kỳ đón nhận những thông tin tích cực, có nhiều biểu hiện hồi phục thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến triển tốt.

 

Xuất khẩu hàng dệt may sang Hàn Quốc bứt phá mạnh từ tháng 5/2016, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng 16% so với cùng kỳ, ước đạt 878 triệu USD. Ông Giang cho biết, trong số 4 nhà cung cấp hàng may mặc hàng đầu vào Hàn Quốc thì Việt Nam là nhà cung cấp duy trì được phong độ ổn định nhất.

 

Mức tăng trưởng hàng dệt may sang Trung Quốc đạt 30% với kim ngạch xuất khẩu là 337 triệu USD được đánh giá là “mức tăng trưởng ấn tượng nhất” từ đầu năm đến nay.

 

Tuy nhiên, theo ông Giang thì việc xuất khẩu sang ASEAN chỉ đạt 8,5% với tổng kim ngạch xuất khẩu 313 triệu USD là chưa tương xứng với tiềm năng và thị trường trẻ, đông dân của khu vực.

 

Ông Vũ Đức Giang cũng cho rằng, để xuất khẩu tốt ra thị trường nước ngoài nói chung, DN trước hết cần có môi trường phát triển minh bạch và dài hạn trong nước.

 

“Tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Dệt may đã gửi nhiều kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan về việc tháo gỡ khó khăn cho DN. Những tồn tại, vướng mắc DN đang gặp phải là: Áp lực của việc tăng lương tối thiểu; thiếu nguồn nhân lực và quản trị, khả năng tận dụng lợi thế của TPP ở mức thấp. Trong 2 năm tới, các dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho TPP chưa đạt được nhiều.

 

Vì thế, Hiệp hội Dệt may rất mong Thủ tướng Chính phủ lắng nghe và tháo gỡ cho DN để dệt may tiếp tục là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực cho đất nước”, ông Giang nói.

 

Trao đổi về sự ảnh hưởng của việc Anh rời EU (Brexit), ông Vũ Đức Giang cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm 3% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường nên Brexit chưa thể ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu dệt may của nước ta trong năm 2016. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với việc đồng bảng Anh mất giá mạnh so với USD, hàng hóa nhập khẩu vào Anh đắt lên so với sản xuất trong nước, làm giảm mạnh nhu cầu sử dụng hàng nhập khẩu, trong đó có hàng may mặc, thì việc giữ mức tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường này như hiện nay là khó thực hiện.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


Tag:dệt may

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang