Có được kết quả này là do doanh nghiệp ngành dệt may đang đẩy nhanh chuyển đổi sang quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, phát triển bền vững. Tuy nhiên, cũng như các ngành công nghiệp khác, ngành dệt may vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức như tác động của dịch bệnh, lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức mua của người tiêu dùng vẫn giảm...
Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may tăng trưởng tương đối tốt, tuy vậy bước vào quý III, thị trường bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm đơn hàng rõ rệt. Nguyên nhân là các thị trường lớn như Mỹ hay EU… lạm phát cao khiến người dân giảm chi tiêu đáng kể, trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều.
Ngoài ra, các thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam vẫn bị tác động bởi dịch COVID-19, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam. Cùng với đó, tình trạng yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng công ty May Hưng Yên cho biết: "Cùng với tiến trình phát triển trong những năm qua thì ngành dệt may Việt Nam đã có những bước trưởng thành rất lớn, thể hiện được sự tăng trưởng trong nhiều năm đều đạt 10%.
Về thuận lợi, đánh giá của thị trường thế giới là hàng Việt Nam đẹp, chất lượng tốt, chỉ có điều về giá cả cần cạnh tranh hơn. Chúng tôi đánh giá thuận lợi thì có rồi, nhưng vấn đề muốn cạnh tranh được thì không có con đường nào khác là doanh nghiệp phải đầu tư, đổi mới làm thế nào có thể đưa được những công nghệ, quản trị công nghệ số vào doanh nghiệp để tăng năng suất lên giảm những nhân công không cần thiết…".
Sau thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp dệt may đang tập trung đầu tư vào nghiên cứu phát triển nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời, tìm cách thích ứng nhanh với điều kiện kinh doanh mới như đa dạng hóa đơn hàng, thị trường, ứng dụng cơ chế thanh toán mới khác cách mua bán truyền thống trước đây.
Như với Tổng Công ty May 10, năm 2022, doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng uy tín trong chuỗi dệt may, khai thác tối đa thuận lợi do các Hiệp định Thương mại tự do mang lại. Doanh nghiệp "chuyển mình" khi chấp nhận đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao, số lượng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn…
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: "Chúng tôi đã chủ động trong việc chuyển nguồn cung như Ấn Độ như Hàn Quốc, thậm chí chúng tôi cũng đang sử dụng nguồn cung từ châu Âu và Nhật Bản để giảm thiểu việc phụ thuộc riêng vào thị trường xuất khẩu từ Trung Quốc đối với nguyên phụ liệu.
Chúng tôi cũng đang tập trung khai thác chuỗi cung ứng trong nước. Thứ hai nữa, cũng nằm trong chuỗi cung ứng của Việt Nam, trong dài hạn, chúng tôi cũng mong muốn mở rộng hơn nữa và kêu gọi nhiều nhà đầu tư hơn nữa đầu tư vào chuỗi cung ứng sản xuất vải, dệt, nhuộm để có đáp ứng được xuất xứ đi châu Âu để chúng tôi được hưởng ưu đãi thuế quan của Hiệp định".
Giai đoạn hiện nay không chỉ có khó khăn của riêng ngành dệt may Việt Nam mà là khó khăn của thị trường toàn cầu khi tổng lượng cầu của thế giới giảm do kinh tế suy giảm. Theo báo cáo từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhìn lại thời điểm 9 tháng năm 2022, lợi nhuận của Tập đoàn đạt hơn 1.180 tỷ đồng, vượt hơn 24% so với kế hoạch được giao.
Năm 2023 ngành dệt may đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt 48 tỷ USD và kịch bản thứ 2 là đạt khoảng 45 - 46 tỷ USD.
Tuy nhiên, những quý IV năm 2022, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã nỗ lực vượt khó hoàn thành kết quả sản xuất kinh doanh với doanh thu hợp nhất ước đạt hơn 19.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thay đổi để thích ứng với thị trường, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, doanh nghiệp dệt may đã tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng nhỏ để đảm bảo duy trì sản xuất và giữ chân người lao động, đồng thời nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường, luôn sẵn sàng lực lượng sản xuất tốt nhất để đón những cơ hội khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.
Theo ông Trường: "Chúng tôi có 5 chủ trương mà liên tục thực hiện, thứ nhất là kiên định tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ hai là kiên định xây dựng chuỗi cung ứng trọn vẹn trong Vinatex, trở thành một điểm đến của các đối tác... Kiên định thứ ba là thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội về môi trường bởi vì sẽ trở thành những tiêu chuẩn phi tài chính trong tương lai của các thành viên cung ứng. Thứ tư, kiên định thực hiện công tác chuyển đổi số, tự động hóa. Thứ năm là kiên định đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo con người".
Ngành dệt may đã trải qua năm 2022 nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược, với nhiều bất định của thị trường. Năm 2023, thị trường được nhận định còn nhiều biến động và khó khăn hơn.
Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam nhận định: "Trong điều kiện mà đơn giá giảm như hiện nay thì nhiều khách hàng có thể lợi dụng điều kiện này để có thể ký đơn hàng lâu dài với số lượng lớn, nếu doanh nghiệp mà không tính toán kỹ mà ký với họ ngay bây giờ thì sau này chúng ta chịu thiệt. Bởi vì chúng tôi đánh giá tình hình này không phải kéo dài mãi mà có thể mang tính tình thế, trong một khoảng thời gian nhất định rồi sẽ ấm lên. Do vậy, nếu chúng ta không cân nhắc kỹ vấn đề này thì có thể chịu thua thiệt trong việc ký đơn hàng lớn và lâu dài".
Năm 2023 ngành dệt may đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt 48 tỷ USD và kịch bản thứ 2 là đạt khoảng 45 - 46 tỷ USD. Vì là một ngành khá nhạy với nhu cầu thế giới, việc các doanh nghiệp chủ động chuyển hướng với các thay đổi từ thị trường sẽ quyết định nhiều đến việc giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2023.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc tiên phong áp dụng các công nghệ sản xuất xanh, sử dụng các sản phẩm có tính tái chế cao, xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu hay Mỹ có thể giúp ngành dệt may Việt Nam tăng tính cạnh tranh và hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu./.
Theo vov.vn