Thứ Sáu, 13/09/2024 06:19:20 GMT+7
Lượt xem: 3081

Tin đăng lúc 16-11-2023

May 10 liên kết chuỗi cung ứng để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, thân thiện với môi trường

Thành lập năm 1946, Tổng công ty Cổ phần May 10 hiện là doanh nghiệp (DN) hàng đầu của ngành Dệt May Việt Nam, có chức năng nhiệm vụ chính là: Sản xuất và kinh doanh các mặt hàng dệt may thời trang, phụ liệu ngành may và sản xuất trang thiết bị y tế; kinh doanh siêu thị, khách sạn; đào tạo nghề; xuất nhập khẩu trực tiếp; giáo dục mầm non, y tế. May 10 hiện có 20 đơn vị thành viên tại 9 tỉnh thành trong cả nước, hơn 12.000 lao động với trên 60 cửa hàng và gần 200 đại lý trên toàn quốc…
May 10 liên kết chuỗi cung ứng để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, thân thiện với môi trường
Liên kết phát triển CNHT dệt may là hướng đi bài bản, căn cơ của May 10

Những “đứt gẫy” trong hoạt động chuỗi

 

Với chặng đường 77 năm hình thành và phát triển, May 10 luôn tự hào vượt khó để không chỉ đáp ứng nhu cầu thị hiếu của đại bộ phận người dân trong nước, từ các mặt hàng bình dân đến những sản phẩm thời trang cao cấp, mà còn mang đến cho khách hàng yêu thời trang Việt những trang phục đẳng cấp quốc tế, nhưng đậm chất Á Đông, thuần Việt qua các dòng sản phẩm trở thành biểu tượng như: Etenity GrusZ; May10 M Series - May10 Expert; May10 Prestige; May10 Classic; May 10 Advancer; Big Man; Cleopatre; Pretty Woman; Freeland… Nói không ngoa, người dân Việt còn “nghiện” các sản phẩm dệt may của May 10 bởi chất lượng sản phẩm, kiểu dáng và quan trọng là giá thành phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.

 

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng từ các cuộc xung đột quân sự giữa các quốc gia, khiến cho nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng mà Việt Nam không nằm ngoại lệ. Ngành Dệt May nói chung và Tổng công ty May 10 nói riêng bị ảnh hưởng trầm trọng do thiếu vật tư, nguyên liệu, nhất là nguyên, vật liệu phải nhập từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, trong khi đó, sức mua của thị trường trong nước giảm sâu, nhiều đơn vị thời trang sụt giảm doanh số từ 20-30% so với mọi năm. Nhiều sản phẩm, chủng loại nguyên phụ liệu mà Việt Nam có thể làm được nhưng giá cả lại cao hơn của Trung Quốc, khiến cho đơn hàng xuất khẩu sang nhiều nước bị ngừng trệ, trong khi tốc độ phát triển mẫu mã và đáp ứng thời gian, DN chính là khi chúng ta phải nhập khẩu từ vải, sẽ không được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu và càng không được đối với Hiệp định CPTPP. 

 

Đối với May 10 thì việc cung ứng thiết bị vật tư, nguyên phụ liệu nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm sang các nước bạn và từ nước ngoài về Việt Nam đã khó, nhưng hoạt động thị trường trong nước lại còn khó hơn do nhiều DN, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ ở các địa phương – những đơn vị vệ tinh của Tổng Công ty phải ngừng hoạt động, hoặc chuyển hướng kinh doanh, dẫn tới thiếu nguồn cung ứng cả về nguyên liệu, vật tư đến lực lượng lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn bị đứt gẫy. Trong bối cảnh nền kinh tế chưa kịp hồi phục thì người tiêu dùng cũng phải thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm mạnh, dẫn tới sản xuất kinh doanh của nhiều DN phải cầm chừng, đặc biệt là các DN ngành Dệt May...

 

Liên kết phát triển CNHT dệt may là hướng đi bài bản, căn cơ

 

Có lẽ nói May 10 là DN hàng đầu của ngành Dệt May Việt Nam quả cũng không sai, mà nói May 10 luôn đi đầu cũng lại rất đúng, bởi để trụ vững và phát triển trong suốt chặng đường của 2/3 thế kỷ, thì các thế hệ lãnh đạo và tập thể CNVC-LĐ ở đây đã chọn hướng đi bài bản và hết sức căn cơ. Theo ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc May 10, thì chiến lược của Tổng Công ty là “Muốn phát triển phải liên kết”. Liên kết với đối tác nước ngoài để cùng hợp tác cung ứng vật tư, đầu tư nang cấp thiết bị, máy móc, công nghệ; tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm; còn liên kết với DN và các địa phương trong nước để phát triển sản xuất, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, phát triển thương hiệu và cung ứng vật tư, nguyên phụ liệu. Một số lĩnh vực làm về phụ liệu và những sản phẩm phụ trợ gồm: Bìa cát tông, túi PE, khoanh nơ, cổ nhựa… Đây được coi là bước đi khôn ngoan của May 10 phù hợp với Chiến lược phát triển CNHT ngành Dệt May Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với nền kinh tế, đặc biệt là khi các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam ký kết đã có hiệu lực.

 

Những năm qua, mặc dù thế giới bị “chao đảo” do đại dịch Covid-19 và chiến tranh xung đột, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với nền kinh tế trong nước, trực tiếp ảnh hưởng tới các DN dệt may, nhưng May 10 vẫn trụ vững. Các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ và các nước vùng Đông Á vẫn được duy trì, thậm chí đang còn được mở rộng sang các quốc gia và khu vực như: Nam Phi, châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc - những thị trường rất lớn trong tương lai”; Các hợp đồng nhập khẩu máy móc, vật tư, nguyên phụ liệu phục vụ cho đầu tư nâng cấp thiết bị công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động được tiếp tục thực hiện. Đối với thị trường trong nước, Tổng Công ty chú trọng công tác tiếp cận mở rộng thị trường, phát triển đại lý tại các địa phương, nhất là giữ vững thị trường truyền thống và khai thác thị trường mới; hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, các cơ sở gia công dệt may khôi phục sản xuất, tuyển dụng lao động và cung ứng các nguyên phụ liệu, đáp ứng đủ nhu cầu vật tư cho các nhà máy sản xuất. Đặc biệt, May 10 đã tổ chức khánh thành nhiều Trung tâm Thời trang giới thiệu sản phẩm. Đây là xu hướng kinh doanh mới mang phong cách thời trang châu Âu - công nghệ Nhật Bản - tiện dụng Mỹ, nhưng giá cả Việt Nam, sự đi trước đón đầu này hứa hẹn sẽ mang lại sự hài lòng nhất cho quý khách hàng.

 

Ngoài việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO vào thực tiễn, May 10 đã rất quyết liệt trong công tác chuyển đổi sđáp ứng tiêu chuẩn xanh, thân thiện môi trường. Trong đó, đầu tư những thiết bị tiên tiến như: Chuyền treo sơ mi; hệ thống máy trải - cắt tự động; hệ thống bàn chông phần mềm trải vải kẻ caro và rất nhiều máy chuyên dùng hiện đại,… Bên cạnh đó, áp dụng các phần mềm quản lý hỗ trợ cho công tác quản trị như: Phần mềm quản lý nguyên phụ liệu, thành phẩm để quản trị về công tác báo cáo nhập xuất tồn; phần mềm quản lý số hóa tài liệu văn bản,… Tại các bộ phận nghiệp vụ, Tổng Công ty áp dụng các phần mềm tiên tiến về thiết kế 2D, Fit 3D kiểm tra độ vừa, kiểu dáng, độ cân đối của mẫu, đo kiểm tra các thông số của vải giống như sản phẩm đã may xong. Đặc biệt, khách hàng có thể duyệt mẫu từ xa. Tại các nhà máy sản xuất đã ứng dụng hệ thống phần mềm kết nối lấy dữ liệu từ các thiết bị ở tất cả công đoạn trên chuyền may và tổng hợp dữ liệu trên toàn nhà máy; giúp người quản lý có thể theo dõi qua điện thoại, máy tính ở mọi vị trí. Hệ thống thông minh có thể kiểm soát các thông số làm việc của thiết bị, hiệu suất làm việc theo thời gian thực, giúp cho người quản lý có thể nắm được tình hình sản xuất, cân bằng chuyền, bố trí lao động và thiết bị.

 

“Trái ngọt” từ chiến lược đúng đắn

 

Với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 20% trong nhiều năm trở lại đây, từ năm 2010 đến nay, May 10 liên tục lọt Top 500 DN lớn và có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững tại Việt Nam do Vietnam Report bình chọn. Đến nay, May 10 tự hào có 100% sản phẩm tự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, liên tục cập nhật các xu hướng công nghệ mới trong ngành thời trang như: Đầu tư áp dụng số hóa, giải pháp phần mềm 3D, kỹ thuật tạo from 3D công nghệ cao… tăng cường sử dụng các chất liệu cao cấp, đáp ứng xu hướng thời trang bền vững, thân thiện môi trường như: Silk; Bamboo, Coton… Riêng lĩnh vực thời trang bán lẻ trên thị trường nội địa, May 10 cho biết hiện có trên 20 nhãn hiệu các loại, với 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý toàn quốc.

 

Năm 2022, tổng doanh thu của May 10 tăng 18,42% so với kế hoạch, tăng 27,93% so với năm 2021; lợi nhuận tăng 8,33% so với kế hoạch, tăng 41,97% so với năm 2021; thu nhập bình quân tăng 9,4% so với kế hoạch, tăng 11,24% so với năm 2021”. Còn 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Tổng công ty đạt hơn 3.125 tỷ đồng; lãi sau thuế trên 77 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân người lao động đạt hơn 9,3 triệu đồng/người/tháng. Đây là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung về tăng trưởng lợi nhuận của các DN dệt may 9 tháng đầu năm.

 

Mục tiêu mới đã xác định

 

Năm 2023, Tổng công ty May 10 xác định mục tiêu tiếp tục tăng trưởng doanh thu cao hơn. Cụ thể, doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân 9,4 triệu đồng/người/tháng. Để đạt được mục tiêu đó, May 10 chú trọng xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được xu thế phát triển của ngành Dệt May toàn cầu; đa dạng hóa các dòng sản phẩm và xây dựng liên kết chuỗi chặt chẽ để ngành CNHT dệt may phát triển bền vững… Trong đó, sẽ tập trung các giải pháp đồng bộ, đó là: Tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và quốc tế với nhiều hình thức khác nhau, trong thời gian sắp tới, May 10 sẽ tập trung kiện toàn và phát triển mở rộng hệ thống của mình, chuẩn hóa hình ảnh nhận diện hệ thống Showroom cửa hàng, đại lý trên toàn quốc. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị và giá trị của từng chủng loại sản phẩm để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách hàng; Phát triển các dòng sản phẩm thời trang cao cấp mang tính đột phá cả về kiểu dáng, chất liệu, công nghệ… nhằm cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu thời trang ngoại nhập; Tiến hành Franchise thương hiệu và một số nhãn hiệu May 10 đang sở hữu để cùng phát triển các khu vực thị trường ngách nhằm tận dụng lợi thế của May 10 và đối tác... Đặc biệt là tập trung đổi mới công nghệ, lựa chọn lắp đặt các thiết bị, công nghệ tiến tiến nhất, nhằm tạo ra sự khác biệt, chủ động tiếp cận những nền tảng về công nghệ, tự động hóa và quản trị số, tối ưu việc sử dụng năng lượng… để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, thân thiện với môi trường.

 

Duy Tiên


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang