Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2016, ngành công nghiệp điện tử chiếm hơn 37 % trong tổng kim ngạch XK của cả nước. Tuy nhiên, thực tế, các DN điện tử nội lại đóng góp rất ít vào tổng kim ngạch này.
Chưa thoát khỏi công nghiệp lắp ráp
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhận định, ngành điện tử là biểu tượng cho hội nhập của Việt Nam và được đánh giá là ngành công nghệ cao, chiếm 0,5 triệu lao động, đóng góp lớn cho XK. Ngành điện tử còn mang lại thương hiệu “Made in Việt Nam” ra thế giới. Tuy nhiên các DN điện tử Việt Nam đang tham gia vào ngành điện tử với công đoạn có giá trị thấp nhất, sử dụng lao động có tay nghề thấp nhất nên giá trị gia tăng tạo ra cũng thấp nhất.
TS Vũ Tiến Lộc nói thêm, người lao động trong ngành này chỉ tham gia công đoạn lắp ráp, còn DN chỉ cung cấp bao bì… đó là nghịch lý của ngành công nghiệp điện tử. Vì vậy ngành này chưa thoát khỏi công nghiệp lắp ráp.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thúy Hương – Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, hầu hết các DN trong công nghiệp phụ trợ ngành điện tử là các DN FDI trong chuỗi cung ứng sẵn có của các nhà sản xuất thiết bị cuối cùng. Rất ít DN Việt Nam cung cấp được linh kiện và dịch vụ cho các DN FDI tại Việt Nam.
“Công nghiệp điện tử Việt Nam hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà sản xuất gốc. Chính vì vậy, giá trị gia tăng nội địa của công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn thấp khi so sánh với các nước khác trên thế giới” – bà Hương nhận định.
Thực tế, tại tập đoàn Canon, số lượng nhà cung ứng 100% Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên tổng số 120 nhà cung ứng của Canon. “Họ chỉ cung cấp những sản phẩm rất đơn giản” – bà Đào Thị Thu Huyền – Chánh Văn phòng cấp cao của Canon Việt Nam cho biết.
Các DN chỉ nên chọn một chuyên ngành, tập trung vào một lĩnh vực sản xuất loại sản phẩm mà mình có thế mạnh, nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao.
Liên kết với DN FDI
TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, để DN Việt không đứng ngoài rìa cuộc chơi, DN trong và ngoài nước cần “bắt tay nhau” thông qua việc DN FDI chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam. Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác trong đào tạo nhân lực và có đội ngũ nghiên cứu để phát triển ngành điện tử.
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, cần có một môi trường thể chế kinh tế đảm bảo bình đẳng, cạnh tranh; có biện pháp thúc đẩy hơn nữa để ngành công nghiệp điện tử phát triển trong thời gian tới.
Cùng chung giải pháp, TS Dương Minh Tâm – Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho rằng, mô hình mới cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp điện tử, cũng là “cửa thoát rộng mở” cho DNNVV chính là liên kết sản xuất với các tập đoàn FDI công nghệ cao.
Tuy nhiên để việc liên kết được thành công, ông Trần Quang Hùng – Tổng thư ký VEIA khuyến nghị: “Các DN Việt Nam cần tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu trên cơ sở ngành công nghiệp điện tử cần xác định rõ những công đoạn hoặc những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tập trung đầu tư theo chiều sâu thay vì dàn trải như hiện nay. Các DN chỉ nên chọn một chuyên ngành, tập trung vào một lĩnh vực sản xuất loại sản phẩm mà mình có thế mạnh, nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao để có thể tham gia vào hệ thống sản xuất khu vực”.
Nguồn Enternews