Thứ Sáu, 22/11/2024 00:05:40 GMT+7
Lượt xem: 1827

Tin đăng lúc 14-05-2022

Triển vọng lớn của công nghiệp hỗ trợ ngành Điện tử

Với quy mô thị trường lớn cùng tốc độ tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để phát triển CNHT trong ngành Điện tử.
Triển vọng lớn của công nghiệp hỗ trợ ngành Điện tử
Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, CNHT ngành Điện tử vẫn tăng trưởng ổn định

Quy mô thị trường ngành Điện tử của Việt Nam không chỉ giới hạn ở trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra thế giới. Trong 6 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam có sự tham gia của cả mặt hàng điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện. Trong đó, điện thoại và linh kiện là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Sự xuất hiện của các tập đoàn toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực điện tử, điện thoại như: LG, Samsung… cũng tạo ra một cú hích lớn cho các doanh nghiệp (DN) CNHT ngành Điện tử của Việt Nam. Khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt, ngành sản xuất điện tử, điện thoại có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn dịch chuyển sang Việt Nam. Đây chính là cơ hội không thể tốt hơn để các DN trong nước tham gia tích cực hơn vào chuỗi cung ứng linh, phụ kiện cho các tập đoàn toàn cầu. Có thể nói, chưa bao giờ CNHT ngành Điện tử Việt Nam có được nhiều cơ hội như lúc này.

 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song ngành Điện tử vẫn tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu. Tính đến hết năm 2021, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của cả nước đạt 57,53 tỷ USD, tăng 12,41% so với năm 2020 và chiếm trên 17,11% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

 

Thị trường xuất khẩu các mặt hàng điện tử của Việt Nam cũng liên tục được mở rộng. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu điện thoại sang 50 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường hàng đầu như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, UAE, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ, ASEAN… Như vậy có thể thấy rằng, CNHT ngành Điện tử đang có rất nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển. Đặc biệt là khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới trong kỷ nguyên công nghệ số và cách mạng số 4.0 như hiện nay.

 

Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, ngành Điện tử luôn giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Ngành này phát triển nhanh chóng chắc chắn sẽ tạo ra thêm nhiều cơ hội cho DN Việt Nam tham gia phát triển CNHT cho ngành Điện tử, điện thoại, linh kiện... Đơn cử như Công ty TNHH Pavonine Vina (KCN B1 Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là một trong những nhà cung cấp chính các phụ kiện điện tử bằng vật liệu nhôm cao cấp cho Tập đoàn Samsung. Ông Lee Minseog, Giám đốc Nhân sự cho biết, năm 2022, Công ty dự kiến gia công khoảng 2 triệu sản phẩm, tăng 30% so với năm 2021. Các sản phẩm bao gồm khung ti vi và các sản phẩm điện tử khác nhau theo đơn đặt hàng của đối tác. Hiện Công ty đã có đơn hàng hết năm 2022.

 

CNHT ngành Điện tử sẽ là trụ cột công nghiệp chính trong tương lai 

 

“Chúng tôi đã và đang lên kế hoạch đầu tư thêm máy móc tự động hóa trong hệ thống dây chuyền sản xuất để tăng công suất 30%. Để trở thành đối tác của Samsung, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, DN phải đầu tư máy móc hiện đại. Cùng với đó, Samsung còn yêu cầu các DN trong chuỗi phải chú trọng đến cả môi trường lao động”, ông Lee Minseog nhấn mạnh.

 

Để trở thành đối tác của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, trong thời gian qua, các DN đã không ngừng đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Theo ông Lee Sung Jae, Tổng Giám đốc Công ty Dongjin Global (KCN Đất Đỏ 1, Bà Rịa - Vũng Tàu), Công ty đang tập trung sản xuất các sản phẩm dây cáp, dây điện và linh kiện ô tô. DN đã đầu tư máy móc hiện đại, chuẩn hóa sản phẩm... với mong muốn trở thành đối tác của các tập đoàn xe hơi trên thế giới.

 

“Chúng tôi luôn chú trọng đến cải tiến mẫu mã, tạo dựng thương hiệu, chuẩn hóa sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm cung cấp các sản phẩm chất lượng cho đối tác trong và ngoài nước”, ông Lee Sung Jae chia sẻ.

 

Hiện nay, có thể nói làn sóng đầu tư của các DN FDI trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam đang tăng mạnh sau khi dịch bệnh được khống chế. Việc tăng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng sản xuất tại Việt Nam đồng nghĩa với việc nới rộng tăng trưởng xuất khẩu của ngành Điện tử trong những năm tới. Theo đó, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử, thu hút thêm các nhà đầu tư mới và thông qua đó tạo ra động lực phát triển cho CNHT ngành Điện tử trong năm 2022.

 

Tuy nhiên, có một thực tế phải nhìn nhận rõ là, dù Việt Nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới (xếp thứ 12 thế giới và thứ 3 ASEAN), nhưng có đến 95% giá trị thuộc khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các tập đoàn đa quốc gia đóng vai trò chủ đạo, trong đó đặc biệt là các tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật Bản… ở các lĩnh vực sản phẩm cuối cùng và sản xuất linh kiện điện tử.

 

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ngành Điện tử còn thấp, các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc, hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng gần 50 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong khi khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các DN công nghiệp hỗ trợ ngành Điện tử trong nước còn rất hạn chế.

 

Chính vì vậy, CNHT ngành Điện tử vẫn cần phải có những bước đột phá lớn hơn nữa trong tương lai. Các DN trong nước cần tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu, thiết lập được hệ sinh thái CNHT và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn. Trong tương lai gần, định hướng phát triển ngành CNHT của Việt Nam phải hướng đến những ngành có hàm lượng kỹ thuật và chất lượng cao, đặc biệt là gắn với công nghệ thông minh trong bối cảnh toàn cầu đang bùng nổ công nghệ số. 

 

Thế Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang