Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,28 tỷ USD (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2023). Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt hơn 1 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm.
Xuất khẩu rau củ quả tăng trưởng mạnh
Thống kê từ sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 3 vừa qua đạt 469,9 triệu USD, tăng 44,3% so với tháng 2, và tăng 13,2% so với tháng 3 năm ngoái.
Các thị trường tiêu thụ quan trọng vẫn là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… đều tăng trưởng tốt. Đặc biệt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, ngành rau quả xuất khẩu bứt phá trong quý I/2024 là nhờ sự đóng góp rất lớn của sầu riêng trái vụ, khi các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan đã tăng mua loại quả này trong thời gian gần đây.
Trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam (cập nhật đến hết tháng 2/2024), Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 4. Cụ thể, rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đạt 28,6 triệu USD (tăng gần 126% so với cùng kỳ năm 2023), đưa thị phần của Thái Lan tăng từ 2% lên gần 4%.
Theo đó, hàng rau quả xuất khẩu tới các thị trường chính trong 3 tháng đầu năm nay đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Dẫn đầu về giá trị xuất khẩu là thị trường Trung Quốc, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm 59,1% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành rau quả.
Các chuyên gia dự báo, mặc dù sự kiện Biển Đỏ gây nhiều khó khăn cho mặt hàng rau quả Việt Nam khi xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, nhưng sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc và các khu vực lân cận tăng mạnh, nhất là đối với mặt hàng quả sầu riêng, dừa, thanh long, mít, chuối, xoài…
Dự kiến, thời gian tới, sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Điều này đồng nghĩa với dư địa ngành hàng này còn rất lớn.
Ở hoạt động xuất khẩu nông sản đã qua chế biến, ông Nguyễn Lâm Viên, CEO của Công ty Cổ phần Vinamit cho biết, thị trường EU có xu hướng giảm, nhưng bù lại thị trường truyền thống của Vinamit là Trung Quốc, Mỹ… ở các mặt hàng trái cây tươi như mít trái, sầu riêng lại tăng.
“Một số thị trường khác cũng xuất hiện, bởi sau hai năm trở lại đây trái cây, nông sản rất nổi bật… kể cả gạo xuất rất mạnh. Tôi cho rằng thị trường trái cây năm 2024 sẽ khởi sắc nhiều, nhất là hàng chế biến thay vì xuất tươi. Những ngành hàng cấp đông trong đó cả đông lạnh hoặc đông khô chắc chắn có thêm nhiều đơn hàng hơn”, ông Nguyễn Lâm Viên cho biết.
Kiểm soát chất lượng hàng hóa
Một trong những yếu tố quan trọng đằng sau sự thành công của ngành xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam chính là sự cải tiến trong năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ vào việc áp dụng các công nghệ hiện đại, quản lý chất lượng nghiêm ngặt và việc đào tạo nông dân về phương pháp canh tác hiệu quả, nông sản Việt Nam không chỉ đạt được tiêu chuẩn quốc tế mà còn tạo được lòng tin từ phía các thị trường tiêu thụ.
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhằm kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu ngay từ khâu đầu vào, canh tác. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Quản lý sản xuất và kiểm soát chất lượng hàng hóa là một phần không thể thiếu trong quá trình xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã đặc biệt chú trọng vào việc đào tạo nông dân về các phương pháp canh tác an toàn và bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra và giám sát chất lượng hàng hóa từ giai đoạn sản xuất đến vận chuyển, đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và vệ sinh công nghiệp.
Cùng với đó là tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững; tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp cùng hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Phát triển chuỗi giá trị nông sản; liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Hơn nữa, để tăng cường tính minh bạch và truy vết sản phẩm, các doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như ERP và hệ thống mã vạch. Đồng thời, việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và các đối tác xuất khẩu là một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản, các kho lạnh quy mô lớn.
“Với những dự báo triển vọng tích cực, ngành xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Dự báo kỷ lục mới về doanh thu xuất khẩu trong khoảng 6 - 6,6 tỷ USD năm 2024 là một minh chứng rõ ràng cho sự tiến bộ và nỗ lực của ngành này, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai”, một chuyên gia ngành Nông nghiệp nhận định.
Theo VNbusiness