Điệp khúc rớt giá
Việt Nam đang là quốc gia có sản lượng hạt tiêu lớn hàng đầu thế giới. Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), năm 2017, cả thế giới sản xuất khoảng 547.000 tấn hạt tiêu, riêng Việt Nam sản xuất khoảng 180.000 tấn, chiếm 32,9% sản lượng toàn cầu. Việt Nam cũng xuất khẩu tới 95% sản lượng hạt tiêu của mình. Đây từng được coi là “cây trồng tỷ đô”, là “vàng đen” của nông dân.
Dẫn đầu thế giới về sản lượng hạt tiêu, lại chiếm tới phần lớn sản lượng xuất khẩu toàn cầu, đáng lý hạt tiêu Việt Nam hoàn toàn có thể chi phối, dẫn dắt được thị trường thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, cây hồ tiêu của Việt Nam đang tỏ ra lép vế hơn hẳn so với những quốc gia cùng xuất khẩu hạt tiêu khác như Brazil, Indonesia hay Ấn Độ.
Năm 2015, giá tiêu tăng cao chóng mặt, có lúc lên đến 230.000 đồng/kg khiến người dân đổ xô đi trồng hồ tiêu, thậm chí không ngại chặt bỏ những vườn cao su, cà phê, nhưng sau khi đã lên đến đỉnh, suốt gần 2 năm qua, giá hạt tiêu liên tục lao dốc không phanh. Năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 232.000 tấn, trị giá 758 triệu USD, tăng 8,1% về lượng, nhưng lại giảm tới 32,2% về trị giá so với năm 2017. Cũng trong tháng 1 vừa qua, thống kê cho thấy, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt mức 3.067 USD/tấn, giảm 5,0% so với tháng 12/2018 và giảm tới 23,5% so với tháng 1/2018.
Giá tiêu thấp khiến rất nhiều hộ nông dân trồng tiêu lâm vào tình cảnh khó khăn. Nếu trừ đi chi phí đầu tư giống, công chăm sóc, tưới tiêu, phân bón, thuốc trừ sâu, công thu hoạch… nông dân hầu như không có lãi, thậm chí phải chịu lỗ. Do vậy, ở nhiều nơi, dù đã vào vụ, các hộ trồng tiêu vẫn không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch. Ở một số địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu, chính quyền thậm chí còn phải huy động bộ đội, công an phụ giúp nông dân thu hoạch trong thời điểm tiêu đang chín rộ.
Hệ quả của việc chạy theo số lượng
Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến hạt tiêu liên tục rớt giá suốt gần 2 năm qua chính là việc gia tăng nguồn cung quá nhanh so với nhu cầu của thị trường. Chỉ trong 7 năm (2010 – 2017), diện tích hồ tiêu của Việt Nam đã tăng gấp gần 3 lần, từ 51,5 ngàn ha (2010) lên thành 152,668 ha (2017). Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển ngành Hồ tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020, diện tích trồng tiêu của Việt Nam chỉ được giới hạn ở mức 50.000 ha. Như vậy, so với quy hoạch ban đầu, diện tích trồng tiêu hiện nay đã gấp hơn 3 lần.
Diện tích hồ tiêu tăng không kiểm soát kéo theo hệ lụy là nguồn cung quá dư thừa trong khi nhu cầu của thị trường thế giới không tăng. Kể từ khi xác lập mốc giá kỷ lục 220 triệu đồng/tấn, giá tiêu đã tụt dốc không phanh. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, diện tích tiêu tăng quá nhanh, không thể kiểm soát được, đang đặt ra những vấn đề lớn. Nếu những vấn đề này không được tháo gỡ kịp thời, nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng là rất lớn.
Hiện tại, Việt Nam chính là nước có sản lượng tiêu đứng đầu thế giới nhưng giá trị kim ngạch của ngành hàng này lại không tương xứng với vị thế đó. So với những nước xuất khẩu hạt tiêu lớn khác như Ấn Độ, Brazil…, hạt tiêu của Việt Nam tỏ ra thua sút về giá trị thương mại và đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn.
Hướng đi nào cho cây tiêu thời hội nhập?
Sau gần 1 thập kỷ chạy theo số lượng, đã đến lúc ngành Hồ tiêu Việt Nam phải đưa ra những lựa chọn sống còn, hoặc giữ nguyên diện tích, lấy sản lượng bù giá trị kim ngạch, hoặc thu hẹp diện tích, cải tạo vườn, nâng cao chất lượng. Thực tế cho thấy, việc mở rộng ồ ạt diện tích trồng tiêu đã gây ra những tác dụng phụ khôn lường, ảnh hưởng lâu dài đến sự ổn định của ngành Hồ tiêu. Để lấy lại vị thế xứng đáng của quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, việc cải tiến kỹ thuật gieo trồng và nâng cao giá trị thương phẩm được xem là yêu cầu cấp bách lúc này.
Hiện tại, hạt tiêu Việt Nam bán ra thị trường thế giới chủ yếu dưới dạng xuất thô (tiêu đen, tiêu trắng, tiêu xanh, tiêu xay…). Trong khi đó, chế biến sâu đang là xu thế phát triển của ngành Hồ tiêu thế giới. Các thị trường nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… phần lớn đều dùng hạt tiêu để chế biến dầu nhựa tiêu, vốn có giá trị thương mại cao hơn nhiều lần. Cứ 30 kg hạt tiêu thì làm được 01 kg dầu nhựa tiêu. Năm 2018, cứ 01 kg dầu nhựa tiêu ở Mỹ bán ra có giá từ 500 – 1.000 USD, trong khi 30 kg hạt tiêu Việt Nam chỉ có giá chưa đầy 100 USD. Ở Ấn Độ, đã có khoảng 60 nhà máy chế biến dầu nhựa tiêu, còn ở Việt Nam, ngoài những cơ sở chế biến quy mô nhỏ thì chưa có nhà máy nào. Về lâu dài, nếu được đầu tư và định hướng đúng đắn, ngành Hồ tiêu Việt Nam vẫn còn rất nhiều đất diễn.
Năm 2019, theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, sản lượng hạt tiêu của các nước xuất khẩu chính như Việt Nam, Brazil, Indonesia và Ấn Độ có thể giảm so với năm 2018. Sức ép dư cung phần nào được giảm bớt sẽ mở ra cơ hội phục hồi giá cho hạt tiêu trong năm nay.
Tuy nhiên, để có thể thi đấu sòng phẳng ở sân chơi thế giới, các doanh nghiệp sản xuất hạt tiêu của chúng ta cần phải thay đổi ngay từ chính tư duy kinh doanh. Thay vì dồn toàn lực mở rộng diện tích, các doanh nghiệp cần tạo ra sự kết nối tốt hơn với các đối tác quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ. Giảm sản lượng, tăng chất lượng, đáp ứng tốt những yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, đây vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội lớn để ngành Hồ tiêu Việt Nam chuyển mình vươn ra biển lớn.
Minh Phương (tổng hợp)