Số liệu của Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy 9 tháng đầu năm 2016, toàn thị trường ô tô đã đạt 214.398 xe các loại, tăng 31% so với cùng kỳ. Mặc dù vẫn đạt được tỷ lệ tăng trưởng tốt so với năm 2015 nhưng thị trường có vẻ bất ổn vì chịu nhiều áp lực hơn do sự thay đổi chính sách quản lý.
Áp lực chính sách
Vẫn đạt được tỷ lệ tăng trưởng tốt so với năm ngoái, nhưng thị trường có vẻ bất ổn vì chịu nhiều áp lực hơn do sự thay đổi chính sách quản lý.
Thực tế, sau hai năm liên tiếp có sức tăng rất mạnh cả về lượng và trị giá, 9 tháng đầu năm nay, hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của nước ta có dấu hiệu đi xuống ở cả hai chỉ số. Nhập khẩu 77.515 xe, đạt 1,75 tỷ USD (giảm 7,3% về lượng) và giảm 16,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, khi trao đổi với giới doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất ô tô tại buổi hội thảo ở Tp.HCM ngày 27/10 nhằm bàn về cạnh tranh tự do và vai trò điều tiết của Nhà nước, bà Vũ Thị Ánh Hồng cho rằng những điều chỉnh của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, lộ trình giảm thuế theo cam kết quốc tế đã và đang có tác động mạnh mẽ, rõ nét đến thị trường ô tô Việt Nam. Lượng xe nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN (như Thái Lan, Indonesia…) đang ngày một tăng.
Trong 9 tháng đầu 2016, Thái Lan tiếp tục là quốc gia có số lượng xe xuất khẩu nhiều nhất trong số 12 nước xuất khẩu xe vào Việt Nam với 23.899 chiếc. Tiếp theo là Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản với số lượng tương ứng 13.871; 11.103; 8.886 và 5.992 chiếc.
Trái với dự đoán về việc lượng xe nhập khẩu sẽ tăng theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, năm 2016, xu thế xe nhập khẩu giảm do trong năm 2016 đã có sự thay đổi của các chính sách quản lý liên quan đến ô tô như: điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt (tăng mạnh với dòng xe có dung tích xi lanh lớn); thay đổi cách tính giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt.
Điều đáng nói nhất là Thông tư 20/2011.TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về hạn chế nhập khẩu xe ô tô tuy đã hết hiệu lực nhưng vẫn chưa có các văn bản thay thế…
Tất cả những yếu tố trên đã tác động mạnh tới thị trường ô tô Việt Nam, nhất là ô tô nhập khẩu.
Đây cũng là các vấn đề cần được mổ xẻ hiện nay cho ngành sản xuất và kinh doanh ôtô của Việt Nam, nhất là tốc độ tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ như thế nào; liệu lượng xe nhập khẩu có tăng nhanh trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm mạnh theo các cam kết hội nhập quốc tế?
Bao giờ “hoàn hảo”?
Như băn khoăn của giới DN, các chính sách quản lý đã, đang và sẽ tác động tới thị trường trường ô tô Việt Nam ra sao, cần phải có sự thay đổi, điều chỉnh gì để hỗ trợ thị trường ô tô phát triển?
Ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc công ty CP Liên Á, cho rằng chính sách không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng có một thực tế là vì thuế xe của Việt Nam quá đắt. Vì mức thuế lớn nên mới tạo ra những sự gian lận thương mại trong nhập khẩu ô tô, chỉ cần né thuế được 1.000 USD thì khi nhập trót lọt sẽ có lợi đến 3.600 USD.
“Cho nên so với mức thuế của nước ngoài thì chúng ta phải coi lại” – ông Trung kiến nghị, dù vấn đề này đã được quan ngại từ rất lâu.
Thực tế cho thấy, về thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, với ASEAN, lộ trình thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc năm 2015 là 50%; năm 2016 là 40%; năm 2017 là 30%; năm 2018 là 0% (Thông tư 165/2014/TTBTC). Với các FTA khác, Việt Nam vẫn giữ mức thuế nhập khẩu trung bình của xe nguyên chiếc là 50% từ năm 2019.
Trong khi đó, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Giá trị gia tăng, Luật Quản lý thuế từ 1/7/2016, xe có dung tích xi-lanh từ 2,5L – 3,0L sẽ từ 50% tăng lên 55%; xe dung tích xi lanh 3,0L – 4,0L sẽ tăng từ 60% lên 90%; xe có dung tích xi lanh 4,0L – 5,0L sẽ tăng từ 60% lên 110% và xe dung tích lanh 5,0L – 6,0L sẽ là tăng từ 60% lên 130%; dung tích xi lanh trên 6,0L tăng từ 60% lên 150%.
Dự báo cho thấy bùng nổ thị trường ô tô của Việt Nam sẽ diễn ra từ năm 2020 đến 2025. Khi đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ tăng lên và nếu sản xuất nội địa không đáp ứng được sẽ phải nhập khẩu và sẽ không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu khi mà có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ sở sản xuất lắp ráp từ châu Âu, Mỹ sang châu Á.
Như lưu ý của giới chuyên gia, mặc dù được xác định là ngành công nghiệp cần thúc đẩy phát triển nhưng thực ra ô tô vẫn là ngành được bảo hộ với các hàng rào thuế nhập khẩu khá cao.
Chính sự thiếu đồng bộ và bất ổn định về chính sách thuế, phí đã gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành này. Như vậy, những thách thức của ngành kinh doanh và sản xuất ô tô sẽ không nhỏ trong bối cảnh hướng tới cạnh tranh tự do và vai trò điều tiết của Nhà nước.
Nguồn Thời báo Kinh Doanh