Thứ Bẩy, 23/11/2024 16:55:04 GMT+7
Lượt xem: 4419

Tin đăng lúc 08-12-2014

Ngành sản xuất ở Việt Nam: Có tên trên "bản đồ" thị phần toàn cầu

Theo khảo sát của Ngân hàng HSBC, chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 11 tăng, đạt 52,1 điểm; cho thấy các đơn hàng xuất khẩu mới và sản lượng đang tăng. Cũng theo khảo sát này, sức cạnh tranh về chi phí nhân công giúp Việt Nam tăng thị phần; nhưng cơ sở hạ tầng, cả phần cứng lẫn phần mềm, cần phải được cải thiện để giúp Việt Nam leo cao trong chuỗi giá trị.
Ngành sản xuất ở Việt Nam: Có tên trên "bản đồ" thị phần toàn cầu
Ảnh minh họa

CôngThương - Hàng hóa của Việt Nam chiếm 0,7% lượng xuất khẩu toàn cầu trong năm 2013, tăng 0,4% kể từ năm 2007. Đối với Việt Nam, “phần thưởng” lớn nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, cho phép sự hội nhập tốt hơn của hàng hóa Việt Nam. Cho dù là thỏa thuận tự do thương mại với khu vực Eurozone hay với Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam đang nỗ lực để cải thiện sự kết nối với các khu vực mà từ đó, hàng hóa có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường nước ngoài hơn.

 

Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC trong tháng 11 cho thấy các đơn hàng xuất khẩu mới và sản lượng đang tăng. Nhờ vào nguồn vốn FDI giải ngân ổn định và chi phí nhân công thấp, chỉ số phụ về việc làm trong khảo sát PMI tăng khá ổn định, là dấu hiệu tích cực cho một quốc gia có lượng nhân công dồi dào được hấp thu hiệu quả vào nguồn lực lao động như Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài lợi thế về chi phí, Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại (như chi phí hậu cần, đường sá và hàng không) và những kỹ năng chuyên môn để gia tăng chuỗi giá trị.

 

Trong ngắn hạn, nhu cầu nhập khẩu có thể tăng, tạo áp lực lên đồng Việt Nam. Nhưng theo dự báo, tiền đồng vẫn có thể đạt sự ổn định do thặng dư tài khoản vãng lai. Giá dầu giảm mạnh sẽ kéo dài thâm hụt tài chính song lại giúp nhà sản xuất cắt giảm chi phí và chuyển phần tiết kiệm được sang cho khách hàng. Kéo theo cầu nội địa tăng dần khi nền kinh tế cải thiện và sức mua tăng lên.

Bà Trinh Nguyễn Chuyên viên kinh tế, Ngân hàng HSBC:

"Chỉ số PMI tháng 11 tăng mạnh phản ánh tính cạnh tranh mạnh của lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam. Nhờ chi phí nhân công thấp hơn một số nơi trong khu vực nên ngành sản xuất của Việt Nam đang giành được thị phần trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thử thách mà chướng ngại lớn nhất vẫn là việc thiếu các nỗ lực phối hợp để các doanh nghiệp nội kết nối với chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu dễ dàng và nhanh hơn”.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng tăng theo phân tích ở trên sẽ tới hết năm 2015. Nhu cầu về nhân công tăng và đơn hàng xuất khẩu mới ổn định là một số trong những lý do của sự lạc quan này. Bên cạnh đó, hàng tồn kho, mặc dù tăng, nhưng vẫn khá thấp, khiến cho các nhà sản xuất đẩy nhanh số lượng hàng mua cũng như sản lượng để bắt kịp nhu cầu.

 

Trong tháng 11, nhập khẩu tăng 25,8% trong khi xuất khẩu tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh cùng hoạt động thu lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài đã làm cho tiền đồng tăng đạt mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nhiều khả năng tiền đồng sẽ ổn định nhờ các dòng vốn FDI ổn định đổ vào Việt Nam và tài khoản thương mại đạt thặng dư 2 triệu USD tính từ đầu năm đến nay.

 

Khảo sát PMI mới nhất của HSBC cho thấy, các nhà sản xuất được lợi từ việc giá cả đầu vào giảm mạnh, cho phép họ chuyển phần tiết kiệm được qua cho khách hàng, dẫn đến giá cả đầu ra giảm. Chỉ số CPI toàn phần tại Việt Nam giảm còn 2,6% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước do chi phí vận chuyển giảm thấp hơn. Như vậy, người tiêu dùng sẽ được lợi từ việc tăng thu nhập sau thuế cũng như từ sự vực dậy của ngành sản xuất, để họ có thể dần mở rộng chi tiêu. Dự báo tiêu thụ cá nhân tại Việt Nam sẽ tăng lên mức 5,6% trong năm 2015 (năm nay là 5,4%). 

 

Mai Uyên

baocongthuong.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang