Thứ Ba, 10/09/2024 21:00:49 GMT+7
Lượt xem: 4452

Tin đăng lúc 05-08-2015

Ngành Than khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang huy động tất cả các nguồn lực tập trung, khắc phục, xử lý sự cố mỏ hầm lò do mưa lũ để có thể nhanh chóng ổn định sản xuất.
Ngành Than khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Công nhân Công ty cổ phần than Mông Dương khắc phục hậu quả mưa lũ để ổn định sản xuất - Ảnh: VGP/Toàn Thắng

TKV thực hiện phương châm khống chế sự cố đến đâu, khắc phục đến đó và khi mưa ngớt, thời tiết tốt dần, khôi phục khai trường, hầm lò đến đâu trở lại sản xuất ngay đến đó. Trong đó, tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ bơm tiêu nước, san gạt, củng cố hệ thống đường nội bộ đối với các mỏ than lộ thiên. 
 

Đồng thời, tập trung bơm rút nước đối với các mỏ hầm lò đồng thời gia cố an toàn cho những hầm lò đã được rút nước, tiến hành sửa chữa máy móc, trang thiết bị đã bị ngập nước để có thể đưa vào hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.

 

TKV cho biết, từ 1/8 đã cấp than trở lại cho các Nhà máy nhiệt điện và ngày đầu tiên đã cấp được 20.000 tấn. Tuy nhiên nhu cầu thực tế của các nhà máy nhiệt điện mỗi ngày khoảng 60.000 tấn. Với tình hình thời tiết tốt lên, đến ngày 6-7/8, TKV sẽ quay trở lại cấp than bình thường cho các Nhà máy nhiệt điện do trước khi mưa lũ xảy ra.

 

Ghị nhận của phóng viên tại Công ty Cổ phần than Mông Dương - đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất cho thấy, công tác khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất đang được triển khai hết sức khẩn trương.
 

Ông Nguyễn Văn Dậu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần than Mông Dương cho biết: “Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề từ trên mặt mỏ tới hệ thống hầm lò. Trên mặt mỏ bùn đất ngập đến 70 cm có nơi sâu tới 1,5 m. Dưới hầm lò, tất cả các trang thiết bị, tàu điện, trạm biến áp các động cơ đều ngập sâu trong nước buộc phải ngừng toàn bộ sản xuất. Ước tính thiệt hại lên tới trên 500 tỷ đồng”.
 

Ngay khi sự cố xảy ra, công ty đã dồn tổng lực để cứu mỏ, đến thời điểm này, khu vực mặt bằng đã dọn dẹp khối lượng đạt từ 70-80%, cửa giếng, xưởng cơ khí đã hoạt động trở lại. Hiện đơn vị đang tập trung bơm tiêu nước ở mức -97,5 m. Với tiến độ như hiện nay, dự kiến vào cuối tuần này sẽ có từ 6-7/15 đơn vị của Công ty Cổ phần than Mông Dương sản xuất trở lại.

 

 

Ảnh: VGP/Toàn Thắng

 

Trước mắt, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TKV đang tập trung rà soát các điểm nóng như Đập 790 ở khu vực H8, khắc phục, xử lý không để ảnh hưởng tới đời sống người dân lân  cận. Đồng thời tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống các bãi thải của vùng mỏ từ đó điều chỉnh các phương án kỹ thuật cũng như các phương án xử lý sự cố để ngăn chặn triệt để nguy cơ từ các bãi thải này đảm bảo an toàn cho các khu dân cư, an toàn cho người thợ và sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

 

Bên cạnh đó, TKV cũng ưu tiên giải quyết hiện nay là có các biện pháp hỗ trợ để công nhân được quay trở lại làm việc. Đối với các đơn vị bị thiệt hại nặng nề, ngoài lực lượng lao động bố trí để dọn dẹp, khắc phục sự cố tại các khai trường, một bộ  phận được  bố trí sang các khu mỏ khác để lao động sản xuất.

 

Đợt mưa lũ lịch sử kéo dài từ ngày 26/7 đến 3/8/ 2015 đã gây hậu quả nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh, khiến hoạt động sản xuất than tại Quảng Ninh bị tê liệt hoàn toàn.

 

Theo ước tính của TKV, giá trị thiệt hại sơ bộ của ngành than khoảng trên 1200 tỷ đồng. Đó là chưa tính tới thiệt hại gián tiếp ảnh hưởng đến ngày công lao động, ngày giờ làm việc, số ngày giờ không được lao động của công nhân.

 

“Trận mưa lũ lịch sử này đã tác động đến 8 vạn lao động ngành than ở Quảng Ninh mà trực tiếp là trên 3 vạn thợ mỏ đến nay vẫn chưa bố trí được công ăn việc làm”, ông Chuẩn cho biết thêm. Mưa lũ còn gây ảnh hưởng lớn tới các bãi thải, các công trình, hệ thống hạ tầng kỹ thuật mỏ.

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang