Thứ Bẩy, 23/11/2024 02:49:05 GMT+7
Lượt xem: 2727

Tin đăng lúc 07-11-2016

Ngành than nỗ lực hướng tới tăng trưởng xanh

Theo Quy hoạch phát triển ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, ngành than sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, đạt trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến...
Ngành than nỗ lực hướng tới tăng trưởng xanh
Nhà máy sàng - tuyển than Lép Mỹ có tổng công suất 4 triệu tấn/năm đã được TKV đưa vào hoạt động. Ảnh: CẦM PHONG

Để bảo đảm sản lượng than khai thác đạt 47 đến 50 triệu tấn năm 2020; 51 đến 54 triệu tấn năm 2025 và 55 đến 57 triệu tấn vào năm 2030, việc ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào khai thác, chính là “chìa khóa” giúp ngành than thành công.

 

Những công trình mới

 

Ngày 3-11 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân vùng mỏ - Truyền thống ngành than (12-11-1936 – 12-11-2016) cho hệ thống băng tải than Lép Mỹ - cảng Km 6 (Cẩm Phả, Quảng Ninh). Đây là công trình trọng điểm của TKV, hoàn thành sau một năm thi công với mức đầu tư 651 tỷ đồng, công suất 720 tấn/giờ (khoảng 2,7 triệu tấn/năm). Hệ thống có chiều dài toàn tuyến hơn 4,5 km, trong đó, có hơn 1,8 km trong lò tuy-nen xuyên lòng núi, qua các khu vực đông dân cư và quốc lộ 18, song đã được các đơn vị liên quan của ngành than hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm an toàn, chất lượng. Đưa vào sử dụng tuyến băng tải kín này, ngành than đã thay thế được 300 lượt xe ô-tô loại trọng tải 20 tấn, hoạt động suốt ngày đêm trên đường, chấm dứt cảnh bụi bặm mịt mù, than rơi vãi như trước đây. Bên cạnh đó, TKV cũng đưa vào sử dụng công trình Nhà máy sàng - tuyển than Lép Mỹ với mức đầu tư hơn 870 tỷ đồng, công suất 2,5 triệu tấn/năm, phục vụ sàng tuyển than nguyên khai vận chuyển từ mỏ Khe Tam của Công ty than Dương Huy; đồng thời vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống sàng tuyển 1,5 triệu tấn/năm hiện có của Công ty than Quang Hanh đã đầu tư trước đó. Nhà máy sàng - tuyển này có dây chuyền công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động, năng suất, chất lượng cao, xây dựng ở vị trí xa đô thị, ngoài đáp ứng sàng tuyển cho hai mỏ Dương Huy và Quang Hanh, công suất dư còn phục vụ cho cả vùng than Ngã Hai - Khe Tam. Cụm cảng Km 6 - Cẩm Phả cũng được cải tạo (giai đoạn 1), mở rộng mặt bằng cảng lên hơn 45 ha, chiều dài bến 235 m, đủ điều kiện đón tàu 2.000 DWT ra vào an toàn, đạt công suất bốc xếp 5 triệu tấn/năm. Hệ thống băng tải, thiết bị bốc rót than của cụm cảng Km 6 cũng được đầu tư hiện đại, cùng lúc có thể đáp ứng hai tàu 2.000 DWT vào “ăn” than.

 

9 giờ sáng 10-10 vừa qua là thời điểm ghi dấu ấn “bước ngoặt” cho TKV: Tàu vận tải NB-6488 của Công ty than Thanh Hóa trọng tải 1.000 tấn cập cảng Km 6, “mở hàng” nhận than trực tiếp từ khai trường cách xa bến cảng bằng hệ thống băng tải kín, rót thẳng xuống khoang tàu tại cảng. Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn đánh giá: Việc hoàn thành hệ thống băng tải Lép Mỹ - cảng Km 6 đúng tiến độ, đạt chất lượng đã thể hiện quyết tâm của TKV trong việc triển khai các cam kết với tỉnh Quảng Ninh, góp phần thực hiện mục tiêu đồng bộ quá trình khai thác than, sàng tuyển - chế biến, vận chuyển, tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Có thể nói, đây thật sự là cuộc cách mạng của ngành than, đưa khoa học - công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường vào sản xuất. Công nghệ này đã đồng bộ hóa, khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, chống thất thoát, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường theo cam kết với chính quyền và nhân dân khu mỏ, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Việc đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống máy sàng - tuyển than và hệ thống vận tải than Lép Mỹ - cảng Km 6 nhằm đáp ứng quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Hướng tới tăng trưởng xanh

 

Để chủ động, sẵn sàng tăng cao sản lượng than, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong những năm tới, TKV đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng mỏ mới và các dự án mở rộng sản xuất. Trước mắt, tập trung cho một số dự án lớn như công trình khai thác mỏ Khe Chàm II-IV, mỏ hầm lò Núi Béo, bảo đảm phát huy hiệu quả dự án sau đầu tư. TS Trần Tú Ba, Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ Mỏ (TKV) nhận định: Việc xây dựng các mỏ hầm lò mới, ứng dụng công nghệ hiện đại của TKV phù hợp với chủ trương chuyển hướng phát triển ngành than từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng xanh, phát triển theo chiều sâu, nhằm tận thu tài nguyên và bảo đảm môi trường bền vững. Dự án mỏ Khe Chàm II-IV được TKV khởi công từ năm 2013, công suất thiết kế 3,5 triệu tấn than/năm với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Mỏ có trữ lượng công nghiệp hơn 74 triệu tấn, gồm 13 lò chợ được thiết kế theo tiêu chí: “Mỏ sạch, ít người - an toàn - hiện đại - tiết kiệm tài nguyên - sản lượng cao” đạt tiêu chuẩn châu Âu, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác đối với tất cả các khu vực có điều kiện cho phép. Các hệ thống vận tải, thông gió, thoát nước, quan trắc tập trung, tổ hợp công nghệ trên mặt mỏ được cơ giới hóa, tự động hóa tối đa. Khu xử lý nước thải mỏ được thiết kế hiện đại, bảo đảm nước thải sau xử lý có thể tái sử dụng.

 

Những năm qua, các đơn vị ngành than đã đổi mới toàn diện, hiện đại hóa các khâu trong quá trình khai thác than hầm lò. Trước năm 2000, khai thác than hầm lò chủ yếu là sản xuất thủ công với phương pháp khấu than bằng nổ mìn, chống giữ lò chợ bằng gỗ, sản lượng khai thác hằng năm chỉ đạt khoảng 300 nghìn tấn. Phó Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ (Viện Khoa học - Công nghệ mỏ) Lê Thanh Phương cho biết: Thời gian trước đây, sử dụng chống giữ lò bằng gỗ, để khai thác 1.000 tấn than tiêu hao tới 80 m3 gỗ, tận diệt rừng nhưng hiệu suất khai thác than vẫn rất thấp, sản lượng khai thác than toàn ngành hằng năm chỉ vỏn vẹn bốn triệu tấn. Những năm gần đây, nhờ đổi mới công nghệ, năng suất lao động ngành than tăng khoảng năm lần, sản lượng khai thác than tăng tám lần. Giờ đây, lò chợ của các mỏ đều áp dụng công nghệ chống giữ lò bằng khung, giá thủy lực, vận chuyển than bằng hệ thống băng tải, các thiết bị bốc xúc đều được cơ giới hóa như máy đào lò AM-50Z, khoan tự hành Tam-rốc,…; một lò chợ mỗi tháng “ăn đứt” sản lượng của cả mỏ khai thác trong một năm trước đây.

 

Công ty than Thống Nhất đã đầu tư cơ giới hóa đồng bộ khâu khai thác than hầm lò ở toàn bộ 11 lò chợ bằng công nghệ tiên tiến, tính năng kỹ thuật cao, phù hợp điều kiện khai thác than hầm lò ở độ sâu lớn như máy khấu com-bai, xe khoan tự hành,... đưa năng suất đào lò và khai thác tăng hơn 50% so với trước. Công ty đã chủ động phối hợp Viện Khoa học - Công nghệ mỏ đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, từng bước đưa công nghệ mới vào khai thác than hầm lò. Theo Giám đốc Công ty Phạm Đức Khiêm, để bảo đảm an toàn cho công nhân trong quá trình sản xuất, công ty đã ứng dụng công nghệ thông tin liên lạc trong hầm lò, trang bị hệ thống hướng dẫn bằng la-de thay cho máy thủy chuẩn, bảo đảm chính xác cao và giảm thiểu các chi phí. Công ty còn đầu tư hệ thống kiểm soát khí mỏ bằng máy đo quang học và máy Impact Pro; trang bị 252 máy đo khí cho tất cả các công trường. Mới đây, công ty đã triển khai thêm hệ thống định vị nhân sự, có thể xác định vị trí từng công nhân trong suốt quá trình làm việc, đáp ứng việc cứu hộ nhanh chóng, hiệu quả nhất trong trường hợp sự cố. Trong bối cảnh hầu hết các mỏ gặp khó khăn do ảnh hưởng mưa lũ trước đây, mặc dù điều kiện sản xuất, địa chất mỏ phức tạp, công ty vẫn duy trì nhịp độ sản xuất khá. Sản lượng khai thác than trong chín tháng qua của công ty đạt hơn 1,5 triệu tấn, đạt 86% kế hoạch cả năm, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch gần 1,8 triệu tấn trong năm nay. Thu nhập bình quân của công nhân và người lao động hằng tháng đạt hơn 10 triệu đồng/người, riêng thợ lò đạt 15 triệu đồng/người, một số thợ bậc cao đạt hơn 30 triệu đồng/tháng.

 

Theo Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải, nhằm bảo đảm khai thác hiệu quả các dự án sau đầu tư, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường tư vấn, nghiên cứu hiện đại hóa các mỏ than, từng bước nâng cao năng lực khai thác than hầm lò; đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa nhằm nâng cao mức độ bảo đảm an toàn lao động và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các đơn vị khai thác trong Tập đoàn cũng chủ động sắp xếp, tổ chức sản xuất hợp lý, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ, tiết giảm chi phí sản xuất. Toàn ngành sẽ đầu tư cải tạo, mở rộng, nâng công suất 9 dự án mỏ; đầu tư xây mới 41 dự án mỏ theo lộ trình, tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 dự kiến hơn 269 nghìn tỷ đồng. Theo quy hoạch, ngành than sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ - kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến than, nhất là công nghệ khai thác dưới mức âm 300 m bể than Quảng Ninh và bể than sông Hồng. Đồng thời nghiên cứu, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí trong các khâu từ thăm dò, khai thác, chế biến, đến vận chuyển, tiêu thụ và kinh doanh than.

 

Đối với khai thác hầm lò, TKV tiếp tục hoàn thiện các công nghệ cơ giới hóa đồng bộ khai thác than lò chợ và tăng cường sử dụng đồng bộ thiết bị cơ giới hóa đào lò, sử dụng rộng rãi công nghệ chống vì neo bê-tông cốt thép, neo dẻo cốt thép, bê-tông phun trong các đường lò,... Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu trình tự khai thác đổ thải vùng Cẩm Phả, cơ cấu lại các mỏ Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai để khai thác tối ưu, triệt để tài nguyên, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đối với khâu sàng tuyển, chế biến than, Tập đoàn sẽ áp dụng công nghệ mới, tự động hóa tối đa các công đoạn để giảm ô nhiễm môi trường và khâu lao động nặng nhọc cho công nhân.

NGUYỄN NGỌC CƠ Phó Tổng Giám đốc TKV

 

Nguồn Nhandan.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang