Thứ Sáu, 22/11/2024 12:09:15 GMT+7
Lượt xem: 2736

Tin đăng lúc 15-02-2017

Ngành thép kỳ vọng “tự cung tự cấp”

Trong bối cảnh nhập khẩu thép, nhất là từ Trung Quốc ngày càng cao, chi phối thị trường thép Việt, câu chuyện về đầu tư ngành thép lại ngày càng sôi động, với những “dự án tỷ đô”. Liệu những dự án ấy có sản xuất đủ thép giúp Việt Nam giảm nhập siêu từ Trung Quốc, cũng như có chú trọng bảo vệ môi trường?
Ngành thép kỳ vọng “tự cung tự cấp”
Nếu không nâng chất, giảm giá, thép ngoại sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường Việt dù sản lượng trong nước dư thừa

Ngay đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã nhận “tin vui” khi chủ trương đầu tư dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi đã được Chính phủ thông qua ngày 25/1/2017.

 

Theo công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất có vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 98%. Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và công ty cổ phần Thép Hòa Phát mỗi đơn vị nắm 1%.

 

Sẽ còn nhiều “dự án tỷ đô”

 

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), công suất 4 triệu tấn/năm với các sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn, sử dụng công nghệ lò cao khép kín theo mô hình Hòa Phát đã triển khai tại tỉnh Hải Dương. 

 

Dự án liên hợp sản xuất gang thép tại Khu kinh tế Dung Quất được Tập đoàn Hòa Phát đề xuất trên cơ sở kế thừa dự án Liên hợp thép Quảng Ngãi Guang Lian đã được đầu tư 10 năm nhưng đình trệ. Dự án này nằm trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025, được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm 2013.

 

Cùng thời điểm, công ty CP Thép Pomina cũng chính thức nhận quyết định cấp phép xây dựng nhà máy tôn có công suất 600.000 tấn/năm trên diện tích 14ha tại Khu công nghiệp (KCN) Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời, công ty CP thép Pomina cũng công bố mở rộng đầu tư thêm dự án mới với công suất 500.000 tấn thép xây dựng tại nhà máy Pomina 3.

 

Nói tới những dự án tỷ đô ngành thép không thể bỏ qua “siêu dự án” thép Cà Ná. Bởi theo Dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn 2035, Bộ Công Thương cũng đã đưa dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) vào quy hoạch.

 

Đây là dự án sản xuất thép lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, với tổng công suất 16 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, dự án hiện nhận khá nhiều dư luận trái chiều do chưa làm sáng tỏ những thông số quan trọng nhất để có thể xem xét đi đến quyết định cuối cùng.

 

Một số dự án thép khác cũng đang chờ Bộ Công Thương xem xét. Nếu những dự án này được triển khai, Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung thép trong nước được đảm bảo, Việt Nam không phải nhập nhiều thép từ nước ngoài.

 

Theo Quy hoạch ngành thép của Bộ Công thương, đến năm 2020, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô; đến năm 2025, thiếu hụt 20 triệu tấn thép thô… Theo Bộ Công Thương, hiện đang là thời điểm Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp thép để khai thác tối đa các lợi thế về tài nguyên.

 

Theo tính toán của Bộ Công Thương, nếu xây dựng được các khu luyện thép liên hợp có công suất 7 – 10 triệu tấn/năm, mỗi năm có thể khai thác khoảng 15 triệu tấn quặng sắt từ mỏ sắt Thạch Khê và các mỏ sắt khác trong nước.

 

Mối lo nhập siêu từ Trung Quốc

 

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, năm 2017, ngành công nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Dự báo toàn ngành thép Việt Nam năm 2017 sẽ tăng trưởng 12% so với năm 2016.

 

Theo báo cáo của VSA, ngành thép phát triển chưa đồng bộ giữa các khâu, nhất là thép cuộn cán nóng (HRC) và các loại thép hợp kim chưa sản xuất trong nước nên hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu và bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất.

 

Đặc biệt, năm 2017, theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2017, cả nước nhập khẩu 678.865 tấn sắt thép các loại từ Trung Quốc với tổng giá trị kim ngạch đạt 343 triệu USD.

 

So với cùng kỳ năm 2016, sản lượng sắt thép nhập khẩu giảm 224.048 tấn, tương đương mức giảm khoảng 25%, tuy nhiên tổng giá trị kim ngạch lại tăng 34 triệu USD, tương đương mức tăng 11%.

 

Như vậy, giá sắt thép nhập khẩu trung bình từ Trung Quốc trong tháng 1 vừa qua đạt 505 USD/tấn, tăng khoảng 48% so với mức giá trung bình của tháng 1/2016 là 342 USD/tấn.

 

Trước đó, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 22 triệu tấn sắt thép, với tổng trị giá 10,4 tỷ USD, tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015.

 

Cụ thể, trong năm 2016, Việt Nam nhập khẩu hơn 1,8 triệu tấn tôn mạ và sơn phủ màu, tăng 30,7% so với năm 2015 và chiếm hơn 50% thị phần nội địa; thép hợp kim nhập khẩu hơn 8,1 triệu tấn; trong đó, khoảng 1,9 triệu tấn thép dài có thể đã được sử dụng như thép xây dựng thông thường. Đối với các mặt hàng Việt Nam còn dư khả năng sản xuất như phôi thép vẫn nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn, chiếm 12,6% thị phần phôi cả nước.

 

Xét từng thị trường nhập khẩu, năm 2016, nhập khẩu từ Trung Quốc 10,85 triệu tấn sắt thép, trị giá hơn 4,45 tỷ USD; nhập khẩu từ Nhật Bản gần 2,64 triệu tấn, trị giá gần 1,19 tỷ USD; Hàn Quốc hơn 1,8 triệu tấn, trị giá gần 1,01 tỷ USD.

 

Trong khi đó, về xuất khẩu, năm 2016, ngành thép Việt Nam đã có sự tăng trưởng 18,1% so với năm 2015 mặc dù gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước. Các sản phẩm thép được xuất khẩu sang các nư ớc trong khối ASEAN và Hoa Kỳ. Những mặt hàng xuất khẩu quan trọng như: thép tấm lá đen, tôn mạ và sơn phủ màu, thép ống hàn… vẫn được duy trì xuất khẩu như năm trước.

 

Tuy nhiên, tổng kim ngạch nhập/xuất khẩu của ngành thép năm 2016 là 9,1/2,4 tỷ USD. Như vậy, ngành thép đang phải nhập siêu rất lớn để phục vụ cho nhu cầu sản xuất.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang