Ông Hồ Nghĩa Dũng- Chủ tịch VSA phát biểu tại hội nghị
Tăng trưởng mạnh mẽ
Năm 2014 tăng trưởng của ngành thép cao hơn nhiều so với dự kiến đầu năm (5%). Theo đó, các sản phẩm thép sản xuất đạt trên 12 triệu tấn, tăng 16,15% so với năm 2013. Trong đó, sản phẩm thép dài đạt khoảng trên 5 triệu tấn, tăng 10,95%; thép cuộn cán nguội đạt 2 triệu tấn, tăng 24,30%; ống thép hàn đạt 1 triệu tấn, tăng 23,95%; thép mạ kẽm và sơn phủ màu đạt 2 triệu tấn, tăng 7,20% so với năm 2013.
Trong năm vừa qua, sản phẩm thép dài tiêu thụ đạt 5 triệu tấn, tăng 9,75% so với năm 2013, các sản phẩm khác tiêu thụ đạt khoảng 4.938 tấn, tăng 93,60%. Tuy nhiên, sản phẩm thép dẹt tiêu thụ chỉ đạt trên 3 triệu tấn, giảm 19,69% so với năm 2013.
Dù có sự tăng trưởng khá, nhưng thực tế, công suất của các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép chỉ đạt 60% so với thiết kế do lượng thép nhập khẩu tăng mạnh. Năm 2014 lượng thép thành phẩm nhập khẩu đã đạt trên 11 triệu tấn, tăng 21,70% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, lượng thép hợp kim nhập khẩu đạt hơn 4 triệu tấn, tăng cao đột biến 105% so với cùng kỳ.
Đối diện với sức ép từ thép nhập khẩu, các DN thép trong nước đã nỗ lực vượt khó bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu, nhờ đó góp phần vào tăng trưởng chung của ngành.
Thay mặt Bộ Trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Như Chinh - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng trao Bằng khen cho VSA do "đã có thành tích trong việc đẩy mạnh xuất khẩu thép" trong năm 2014.
Sức ép lớn trong năm 2015
Phát biểu tại lễ tổng kết, ông Hồ Nghĩa Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: Mục tiêu của ngành thép trong năm 2015 là tăng trưởng khoảng 15%. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này không hề dễ dàng bởi năm 2015, khi một loại các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thì các sản phẩm thép từ Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan sẽ tràn vào Việt Nam, gây sức ép khủng khiếp đối với thép trong nước.
Chủ tịch Hồ Nghĩa Dũng trao chứng nhận cho các đơn vị gia nhập VSA.
Tại hội nghị, đại diện một số DN thép cũng cho rằng bên cạnh sự nỗ lực của DN thì vai trò của các cơ quan quản lý như: Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hải quan, Quản lý thị trường… rất quan trọng trong việc đưa ra các hàng rào kỹ thuật, quản lý thị trường nhằm tạo ra thị trường thép cạnh tranh lành mạnh.
Liên quan đến sản phẩm tôn mạ sơn phủ màu, những năm qua, hàng hóa kém chất lượng được nhập khẩu tràn lan, ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng cũng như DN thép trong nước Do đó, các DN sản xuất tôn mạ trong nước đề nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng quy chuẩn để ngăn ngừa các sản phẩm kém chất lượng.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử