Thứ Bẩy, 23/11/2024 23:24:03 GMT+7
Lượt xem: 8406

Tin đăng lúc 16-01-2020

Ngành thời trang gây ô nhiễm và tàn phá môi trường như thế nào?

Quần áo là nhu cầu quan trọng đối với con người nhưng có một thực tế khắc nghiệt là ngành thời trang đang gây ô nhiễm và tàn phá môi trường rất lớn.
Ngành thời trang gây ô nhiễm và tàn phá môi trường như thế nào?
Đằng sau vẻ hào nhoáng của ngành thời trang là các tác động xấu lên môi trường. Ảnh: Ekoenergy.

Ngành thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới. Đặc biệt thời trang nhanh (fast fashion) đã thống trị và định hình lại ngành thời trang kể từ thập niên 1990. Mảng thời trang này là nguyên nhân chính gây ra phát thải khổng lồ khí hiệu ứng nhà kính và các tác động tàn phá môi trường.

 

Vậy bằng cách nào mà quần áo chúng ta mua lại có hậu quả xấu với môi trường như vậy?

 

Thừa mứa quần áo và hệ lụy

 

Thời trang nhanh là một mô hình kinh doanh thúc đẩy việc sản xuất nhanh chóng các quần áo giá rẻ để đáp ứng xu hướng thời trang mới nhất. Thuật ngữ này lần đầu được sử dụng vào đầu thập niên 1990 để miêu tả mô hình kinh doanh của hãng Zara. Ngày nay mô hình này đã thống trị trong ngành thời trang. Nhiều hãng bán lẻ như TopShop, Primark, Forever21 và Mammut có năng lực biến một ý tưởng trong đầu các nhà thiết kế thành các sản phẩm sang trọng xuất hiện trên phố chỉ trong vài tuần lễ.

 

Sự trỗi dậy nhanh chóng và thành công của các thương hiệu mang tới quảng đại quần chúng các loại quần áo giá rẻ nhưng thời thượng đã dẫn tới một sự thay đổi lớn trong hành vi người tiêu dùng. Trung bình một người vào năm 2014 sở hữu quần áo nhiều hơn so với năm 2000 là 60%, đã vậy thời gian mặc trong năm 2014 chỉ còn bằng một nửa so với trước đây. Người Mỹ vào năm 2014 mua quần áo nhiều gấp 5 lần so với năm 1980.

 

Cái giá của việc gia tăng tiêu thụ không kiểm soát này là tình trạng lãng phí, ô nhiễm, và các công xưởng quần áo với điều kiện làm việc tồi tàn.

 

Đối với yếu tố thứ 3, các công ty đã đi tới giới hạn cuối cùng trong việc giảm chi phí sản xuất nhằm cung cấp được các sản phẩm may mặc vừa ra lò nhanh vừa có giá rẻ. Các công ty ở các nước phát triển có thể “thuê ngoài” để cắt giảm chi phí, bằng cách tận dụng lao động giá rẻ ở các nước đang phát triển, nơi không chỉ sức lao động có giá rẻ hơn nhiều mà luật lao động cũng thường khá lỏng lẻo.

 

Ở nhiều nơi thường xuyên tái diễn các vụ bê bối liên quan đến điều kiện lao động như các biện pháp an toàn lao động cơ bản không được bảo đảm, mức lương bèo bọt, và bạo lực ở nơi làm việc...

 

 

Quần áo bỏ đi là một nguồn gây ô nhiễm. Ảnh: Terra 20.

 

Quần áo giá rẻ nhưng cái giá cho môi trường thì lại đắt


Thời trang nhanh cũng khuyến khích sản xuất các bộ quần áo chất lượng thấp hơn. Chất lượng và độ bền đã bị đẩy sang một bên để nhường chỗ cho quần áo giá rẻ đáp ứng thị hiếu trước mắt nhưng sẽ nhanh chóng lỗi mốt vào mùa năm sau. Hậu quả nghiêm trọng nhất của thực trạng này là việc nó dẫn tới số lượng khổng lồ quần áo bỏ đi chất đống ở các bãi chôn rác. Theo thống kê, vào năm 2014, các bãi chôn rác ở Mỹ tiếp nhận tới 10,46 triệu tấn quần áo. Chỉ khoảng 15-20 số quần áo thừa dành cho các cửa hàng từ thiện là có mặt được trên các giá của các cửa hàng này vì đơn giản là số lượng của chúng quá lớn.

 

Việc sản xuất số lượng quần áo thừa này (đa phần chưa bị mòn tã) gây tác động xấu lên môi trường như thế nào?

 

Quần áo gồm nhiều loại chất liệu, thường là kết hợp các loại sợi khác nhau – tất cả đều có ích lợi và nhược điểm xét về độ thoải mái với người mặc, độ bền và chi phí sản xuất. Riêng cotton (sợi bông) có trong 40% tất cả các quần áo, còn các sợi tổng hợp (như là polyester và nylon) có mặt trong 72% số quần áo. Cả hai chất liệu này đều bị chỉ trích vì tác động xấu lên môi trường.

 

Cotton là loài cây tiêu thụ nhiều nước. Mặc dù chỉ 2,4% đất nông nghiệp thế giới là trồng cotton nhưng loại cây này tiêu thụ tới khoảng 10% tất cả loại hóa chất nông nghiệp và 25% thuốc trừ sâu. Vào thập niên 1960 Liên Xô đã nắn dòng của 2 dòng sông, vốn đổ vào biển Aral, để duy trì các đồn điền contton ở khu vực này là Uzbekistan và Kazakhstan. Khi không còn được cung cấp nước từ 2 con sông nói trên, gần như toàn bộ biển Aral đã bị cạn kiệt, bây giờ gần như là sa mạc cằn cỗi.

 

Các sợi polymer tổng hợp thì được chế tạo chứ không trồng được như. Việc sản xuất nylon tạo ra nitrous oxide (đinitơ oxit, khí gây cười) – đây là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn cả carbon dioxide (CO2) tới 300 lần.

Sự nguy hiểm của vi nhựa trong quần áo

 

Cả polyester và nylon đều phân hủy một phần trong các máy giặt thành các vi nhựa xả vào hệ thống thoát nước đổ ra môi trường. Các nhà khoa học giờ đã phát hiện ra rằng các vi nhựa đã xâm lấn vào chuỗi thức ăn của loài người – một vấn đề mà chúng ta hiện chưa lường hết mức độ hậu quả.

 

Các quần áo giá rẻ chất lượng thấp phân hủy mau chóng hơn các quần áo chất lượng cao nên quá trình vi nhựa xâm nhập vào thức ăn càng nhanh hơn.

 

Vấn đề không dừng lại ở đó

 

Quy mô khó hiểu của ngành thời trang và số lượng ngồn ngộn sợi được sản xuất để làm quần áo mỗi năm đã khiến cho ngành này có sức tàn phá khủng khiếp đối với môi trường sống.

 

Các nhà máy may mặc là các đơn vị tiêu thụ năng lượng lớn và vì thế cũng phát ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ước tính tới 80% năng lượng dùng trong ngành thời trang là cho việc sản xuất vải. Điện cần thiết để chạy máy như máy giặt và bơm không khí tại các nhà máy dệt may. Người ta cũng cần lượng lớn nhiệt cho việc giặt, làm khô và nhuộm vải.

 

Tỷ lệ lớn các nhà máy may mặt như thế này hoạt động ở Trung Quốc nơi phụ thuộc nhiều vào than đá để tạo năng lượng. Việc vận tải quần áo cũng tạo thêm khí CO2 do đa phần các sản phẩm này được vận chuyển bằng đường hàng hải sử dụng loại dầu bunker – nhiên liệu hóa thạch chứa nhiều sulfur gấp 1.800 lần so với nhiên liệu chạy ô tô, khiến hàng hải là một nguồn gây ô nhiễm đáng kể nữa.

 

Đã vậy nhiều nhà máy may mặc lại đổ thẳng các hóa chất chưa qua xử lý vào các dòng sông và gây ra tình trạng ô nhiễm ở một nhóm các sông ô nhiễm nhất thế giới.

 

Việc đổ chất hóa học độc hại (chủ yếu sử dụng cho nhuộm vải) đã khiến nhiều đoạn sông lớn của các sông như Citarum ở Indonesia hay Châu Giang ở Trung Quốc ô nhiễm đến mức cá và các loại sinh vật khác không sống được. Tình trạng ô nhiễm này còn tác động lên những cư dân phụ thuộc vào sông về nước uống, nước tắm giặt, nước tưới tiêu cũng như nguồn thủy sản. Người ta đã phát hiện ra tỷ lệ cao về ung thư và các bệnh khác trong các cộng đồng sống gần các sông ô nhiễm, đặc biệt là gần nguồn nước xả thải từ các nhà máy may mặc.

 

Quá nan giải

 

Vấn đề ô nhiễm do ngành thời trang gây ra quá lớn nên rất khó để biết phải bắt đầu từ đâu trong giải quyết vấn đề này.

 

Điều không may là, động lớn chính cho tất cả các rắc rối này là nhu cầu về quần áo giá rẻ có thể dễ dàng vứt đi được.

 

Do vậy để giải quyết vấn đề tận gốc rễ, đã xuất hiện phong trào “thời trang chậm” và các chiến dịch như Fashion4Climate (Thời trang vì Khí hậu) nhằm khuyến khích người dân mua quần áo chất lượng cao và bền được sản xuất theo lối bền vững về môi trường. Nỗ lực xanh bao gồm việc mua các sợi vải bền vững về môi trường như vải lanh, gai dầu, tơ lụa, gai, bông hữu cơ, và len bền vững hoặc các loại sợi tái chế.

 

Các hãng thời trang thân thiện môi trường sẽ thông báo cho khách hàng về nguồn gốc và cách thức sản xuất đồ may mặc.

 

Việc xanh hóa chuỗi cung ứng cho ngành thời trang/may mặc thực sự là một vấn đề lớn cần được nghiên cứu và xử lý sớm.../.

 

Nguồn: EKOenergy

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang