Được sự quan tâm của Nhà nước và tỉnh, những năm qua, ngành Y tế Lai Châu đã thu được nhiều thành quả rất đáng trân trọng. Tuy nhiên để đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của thực tế, ngành Y tế Lai Châu đang đứng trước những thách thức, trở ngại và khó khăn thường nhật hàng ngày. Hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cao, mô hình bệnh tật thay đổi; một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại; các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương tích có chiều hướng tăng; các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường; xuất hiện các yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân dân như môi trường, biến đổi khí hậu, xã hội và lối sống; quy mô dân số vẫn tiếp tục gia tăng; đặc thù về điều kiện địa lý, thời tiết, giao thông và dân trí… Trong khi đó khả năng đáp ứng của hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã còn hạn chế, nhất là về khám chữa bệnh, kiểm soát dịch bệnh và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực không đủ, một số đơn vị thành lập mới từ năm 2013 (Trung tâm Y tế Nậm Nhùn, Trung tâm Dân số Nậm Nhùn) chưa được giao biên chế; việc tuyển dụng viên chức y tế còn chậm; tổ chức thi hoặc xét thăng hạng viên chức chưa kịp thời; một số bác sỹ đã bỏ vị trí việc làm nên ảnh hưởng không nhỏ tác động đến tư tưởng, tâm lý cán bộ trong việc yên tâm công tác và hoạt động chuyên môn phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hiện tại ngành Y tế có 374 người (258 viên chức và 116 hộ lý), trong đó có 15 bác sỹ vẫn đang ở diện hợp đồng tại các đơn vị từ năm 2011 đến nay mà chưa được tuyển dụng.
Ngân sách đảm bảo chi đã giảm mạnh so với định mức do chuyển dần sang cơ chế tự chủ về tài chính, nguồn thu từ BHYT chậm, không kịp thời đã gây khó khăn cho toàn ngành; các dự án viện trợ của nước ngoài đến nay đã hết . Nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu y tế - dân số năm 2017 Trung ương không hỗ trợ, do vậy ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện các mục tiêu. Cơ sở hạ tầng rất thiếu thốn. Đối với tuyến tỉnh: Còn 02 đơn vị đang phải hoạt động nhờ các đơn vị trong ngành (TT Pháp Y và Chi cục VSATTP). Tuyến huyện: Còn 02 đơn vị: TTYT huyện Nậm Nhùn và TTYT Dự phòng thành phố. Tuyến xã: Trạm y tế (TYT) khó khăn về cơ sở vật chất (Thị trấn Tân Uyên; TYT Thị trấn Sìn Hồ) đến nay vẫn chưa được đầu tư xây mới; một số TYT đã được đầu tư từ năm 2015, nhưng tiến độ thi công chậm, chưa hoàn thiện để đưa vào sử dụng (Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn).
Mặc dù vậy, đứng trước nhiều những trở ngại đó, ngành Y tế đã nỗ lực không ngừng, quyết tâm vượt khó, từng bước khắc phục, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.
Mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, phát triển rộng khắp đến tận y tế thôn, bản, đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong tỉnh được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Đến nay 108/108 TYT xã/phường/thị trấn có nhà trạm, 66,7% Trạm Y tế xã có bác sỹ làm việc, trong đó có 13,8% TYT có bác sỹ biên chế tại trạm; 84,6% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 95,5% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.
Kết quả kiểm tra đánh giá chất lượng y tế cơ sở tính đến năm 2016 có 63 xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, chiếm 58,33% tổng số xã; 63 TYT được xây dựng theo tiêu chí quốc gia về y tế xã (TYT bao gồm từ 9 phòng chức năng trở lên). Việc phấn đấu xây dựng các trạm y tế đạt tiêu chí Quốc gia đã khó khăn, nhưng việc duy trì đạt tiêu chí còn khó khăn hơn nhiều. Nguyên nhân do các xã thường mất điểm ở các tiêu chí 6 (chỉ tiêu: tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh), tiêu chí 8 (chỉ tiêu: tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ...), tiêu chí 9 (tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên...). Để giải quyết tốt các vấn đề trên cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Cùng với đó, Sở Y tế tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý tài sản theo đúng quy định của Nhà nước (lập sổ theo dõi, kiểm kê, ghi nhật ký sử dụng máy…); khai thác sử dụng hiệu quả các trang thiết bị đã được đầu tư, đặc biệt các trang thiết bị lớn như máy chụp ARI, CT scanner, chạy thận nhân tạo, nội soi (Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện) hoặc các máy siêu âm, xét nghiệm huyết học, sinh hóa (tuyến xã).
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng tài sản, trang thiết bị tại các đơn vị. Trong 6 tháng năm 2017 đã tiến hành mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh cho 6 phòng khám đa khoa khu vực tại 3 huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, từ nguồn Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở.
Xác định công tác thông tin y tế có vai trò rất quan trọng, những năm qua ngành Y tế Lai Châu đã tích cực tăng cường hệ thống thông tin y tế; năng lực thu thập, xử lý và tổng hợp báo cáo ở các tuyến được cải thiện; việc ứng dụng công nghệ tin học trong xử lý, quản lý, chuyển tải thông tin y tế các tuyến được đẩy mạnh. 100% các TYT có máy vi tính, 90% cán bộ trạm y tế có khả năng sử dụng máy vi tính và biết trao đổi thông tin trên mạng internet. Phát triển công nghệ thông tin đã được quan tâm Sở Y tế đã mở trang thông tin điện tử trên cổng thông tin của tỉnh để kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin trong và ngoài ngành Y tế. Đến 30/6/2017 tất cả các đơn vị (có hoạt động KCB) trong ngành đã thực hiện ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và liên thông thanh toán BHYT.
Công tác tổ chức cán bộ được lãnh đạo ngành thường xuyên quan tâm. Tích cực củng cố kiện toàn, thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ như quản lý hồ sơ cán bộ.
Thực hiện quy trình để bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cho 34 cán bộ Lãnh đạo của các Phòng chức năng và một số đơn vị trực thuộc Sở. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, quản lý, sử dụng, chuyển ngạch, nâng ngạch cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế.
Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức thẩm định việc áp dụng thực hiện các quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức y tế thuộc các đơn vị sự nghiệp.
Xây dựng kế hoạch dài hạn về đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo nhân lực y tế; hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo nhân lực y tế và kiểm chuẩn chất lượng đầu ra. Tổ chức thực hiện tốt đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế, ưu tiên xây dựng kế hoạch và thực hiện đào tạo liên tục cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã.
Tăng cường hình thức đào tạo cập nhật kiến thức tại chỗ; thực hiện các chính sách đãi ngộ và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ y tế làm việc tại các vùng khó khăn. Thực hiện tiêu chuẩn và quy trình đánh giá nhân lực, dựa trên cơ sở năng lực, kết quả, hiệu suất, năng suất lao động thực tế.
Ngành Y tế Lai Châu đang thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn. Tập thể cán bộ công chức, viên chức và lãnh đạo ngành đang phải gồng mình để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Hiện ngành đang rất cần sự quan tâm nhiều hơn, thiết yếu và hiệu quả hơn, để ngành có thêm sức mạnh, vững vàng đối mặt với mọi khó khăn, thử thách, đáp ứng nhu cầu bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên vùng biên giới Tây Bắc, nơi biên cương thiêng liêng, phên giậu quốc gia của Tổ quốc.
Xuân Trường