Thứ Sáu, 22/11/2024 13:55:56 GMT+7
Lượt xem: 4128

Tin đăng lúc 03-02-2017

Ngành y tế Lai Châu: Quyết tâm vượt khó, triển khai nhiều giải pháp hiệu quả đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân

Lai Châu là một tỉnh biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, có nhiều dân tộc sinh sống, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nhất là tuyến cơ sở xuống xã, thôn, bản, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế... Chính những điều này đã tác động trực tiếp khiến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của ngành Y tế Lai Châu gặp rất nhiều rào cản và trở ngại.
Ngành y tế Lai Châu: Quyết tâm vượt khó, triển khai nhiều giải pháp hiệu quả đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân
Bác sỹ bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu khám cho bệnh nhân

Từ thực tế nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cao, mô hình bệnh tật thay đổi, nhiều bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại, các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương tích có chiều hướng tăng, các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân dân như môi trường, biến đổi khí hậu, lối sống, tệ nạn xã hội, đặc thù về điều kiện địa lý, thời tiết... Trong khi đó, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã còn hạn chế, nhất là về khám chữa bệnh, kiểm soát dịch bệnh và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.

 

Trước tình hình đó, được sự quan tâm của Bộ Y tế và tỉnh, những năm qua ngành Y tế Lai Châu đã quyết tâm nỗ lực vượt khó, tìm nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực, tiếp tục kiện toàn và phát triển hệ thống y tế toàn tỉnh trên cơ sở quy hoạch phát triển y tế tỉnh Lai Châu đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Ngành Y tế Lai Châu xác định nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc phải trực tiếp chỉ đạo, rà soát, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao, gắn với chỉ tiêu kế hoạch 5 năm.

 

Tổ chức, xây dựng mạng lưới ngành y tế, công tác cán bộ, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, sắp xếp nhân lực ngành y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước về y tế, nhất là quản lý giá thuốc, hành nghề y – dược tư nhân. Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý tại các đơn vị trực thuộc, các phòng, ban chức năng thuộc Sở Y tế. Tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thành lập Bệnh viện đa khoa vùng thấp huyện Sìn Hồ trên cơ sở nâng cấp Phòng Khám đa khoa khu vực Pa Há, đề nghị điều chỉnh, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Lai Châu. Giải thể, sáp nhập các phòng khám ĐKKV hoạt động kém hiệu quả, tăng chỉ tiêu giường bệnh của các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, xây dựng lộ trình nâng cấp Trường Trung cấp Y tế Lai Châu thành Trường Cao đẳng Y tế. Ban hành quy định chức năng nhiệm vụ cho trung tâm y tế huyện, thành phố.

 

Cùng với đó, việc nâng cao năng lực quản lý lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là tính chủ động đề xuất, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển đơn vị. Bố trí cán bộ có năng lực cả về quản lý, chuyên môn, đạo đức vào các vị trí chủ chốt từ lãnh đạo bệnh viện đến các khoa, phòng. Thực hiện luân chuyển cán bộ đối với các đơn vị cơ sở chậm phát triển.

 

Nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, đảm bảo thực hiện đúng quy chế, quy định về chuyên môn, tăng cường thực hiện tốt quy tắc ứng xử, gắn liền với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong từng việc làm cụ thể, tất cả vì người bệnh, “lấy người bệnh làm trung tâm”. Triển khai “đường dây nóng” một cách có hiệu quả, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không xứng đáng đứng trong đội ngũ thầy thuốc. Xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân sai phạm, động viên, khen thưởng, nêu gương kịp thời các cán bộ y tế tận tâm với người bệnh.

 

Bác sỹ Nguyễn Văn Đối phát biểu tại buổi kiểm tra, giám sát y tế cơ sở huyện Tân Uyên

 

Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển nguồn lực y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh làm nền tảng căn bản cho việc phát triển số lượng, chất lượng dịch vụ kỹ thuật chuyên môn phù hợp với tình hình bệnh tật từng tuyến, từng cơ sở điều trị. Trong đó, tập trung phát triển các kỹ thuật phổ cập đối với tuyến huyện, xã, lựa chọn các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật cao đối với tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện có khả năng thực hiện.

 

Triển khai công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kỹ thuật mới vào khám, chữa bệnh thông qua việc đẩy mạnh thực hiện Đề án 1816, chuyển giao gói dịch vụ và bệnh viện vệ tinh, Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg đến y tế cơ sở. Cơ sở khám chữa bệnh phải xác định việc bảo đảm và cải tiến chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm, được tiến hành thường xuyên, liên tục và ổn định trong quá trình hoạt động. Cần phải tích cực, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế, hạn chế xảy ra các sự cố y khoa.

 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành công tác khám chữa bệnh, cải tiến và tổ chức tốt quy trình khám bệnh, đảm bảo tính thuận lợi, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ ngay từ khâu tiếp đón, tăng cường quản lý và triển khai công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quan tâm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị, cung ứng thuốc kịp thời, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác xét nghiệm, thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong công tác khám, chữa bệnh.

 

Chủ động quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh, xử lý và khống chế kịp thời các bệnh dịch, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan rộng, nhất là các bệnh dịch nguy hiểm, bệnh dịch mới như: Cúm A (H1N1), Cúm A (H7N9), sốt xuất huyết, tay – chân – miệng, Zika...

 

Tăng cường thực hiện an toàn tiêm chủng, duy trì kết quả loại trừ bệnh phong, thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Tổ chức thực hiện có hiệu quả trong công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm (bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, bệnh nghề nghiệp...).

 

Ngành Y tế Lai Châu đang nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, tất cả vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân, quyết tâm phấn đấu nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ngành y tế, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong thời kỳ CNH – HĐH đất nước. Những nỗ lực cố gắng đó đã được tỉnh Lai Châu, Bộ Y tế và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm qua, ngành đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của tỉnh Lai Châu, Bộ Y tế và các Bộ ngành khác, nhưng phần thưởng xứng đáng nhất là niềm tin của người dân đã dành cho CBCNVC và Ban lãnh đạo ngành Y tế Lai Châu bằng sự trân trọng, tin tưởng và mến mộ.

 

Xuân Trường 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang