Ngày Trái đất 22/4 được tổ chức tại hơn 192 quốc gia và các vùng lãnh thổ. Ngày Trái đất là tên được đặt cho hai buổi lễ khác nhau trong năm, nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và truyền cảm hứng cho mọi người hành động để giải quyết các vấn đề môi trường.
Ngày 22/4/1970, khoảng 20 triệu người Mỹ đã xuống đường, công viên các thính phòng để hưởng ứng các hoạt động vì môi trường trong sạch, bền vững. Hàng ngàn trường đại học, cao đẳng đã tổ chức các cuộc biểu tình phản kháng trước sự xuống cấp của môi trường như những sự cố tràn dầu, các nhà máy thải chất gây ô nhiễm ra môi trường, nước thải chưa qua xử lý, thuốc trừ sâu, phá hủy môi trường sống hoang dã, gây tình trạng tuyệt chủng của động vật hoang dã...
Vào cuối năm đó, sự kiện Ngày Trái đất đã dẫn đến việc thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và việc thông qua Đạo luật về không khí sạch, nước sạch và các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Năm 1990, một nhóm các nhà lãnh đạo môi trường đã yêu cầu Denis Hayes khởi động lại một chiến dịch như vậy. Lần này, Ngày Trái đất đã lan rộng trên khắp thế giới, huy động 200 triệu người từ 141 quốc gia tham gia. Họ đã đưa ra những vấn đề môi trường lên trường quốc tế. Ngày Trái đất năm 1990 đã khẳng định một nỗ lực lớn về vấn đề tái chế trên toàn thế giới và giúp mở đường cho Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất năm 1992 tại Rio de Janeiro. Thượng Nghị sĩ Gaylord Nelson đã được Tổng thống Bill Clinton trao tặng Huân chương Tự do vào năm 1995 vì vai trò lớn lao của ông là người sáng lập Ngày Trái đất.
Khi bước sang thế kỷ XXI, Hayes đồng ý việc hướng mũi nhọn tới một chiến dịch khác, tập trung vào sự nóng lên toàn cầu và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch. Hơn 5.000 nhóm hoạt động môi trường từ 184 quốc gia với kỷ lục hàng trăm triệu người tham gia, Ngày Trái đất năm 2000 đã kết hợp được sự hào hứng của Ngày Trái đất năm 1970 với những hoạt động trên cơ sở quốc tế của Ngày Trái đất năm 1990.
Ngày Trái đất 2019 với thông điệp "Vì một thế giới không rác thải"
Ngày Trái đất năm 2000 đã sử dụng sức mạnh của Internet để tổ chức các hành động từ làng này sang làng khác ở Gabon, châu Phi cho các nhà hoạt động. Hàng trăm ngàn người đã tập trung tại Trung tâm thương mại Quốc gia ở Washington để tổ chức cuộc biểu tình sửa đổi lần thứ nhất với thông điệp rõ ràng gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới đó là các công dân trên toàn thế giới mong muốn các chính phủ có hành động nhanh chóng và quyết đoán để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu, thúc đẩy sản xuất và sử dụng năng lượng sạch.
Đến năm 2010, sự kiện Ngày Trái đất là một điểm nhấn mạnh mẽ trên toàn cầu, quy tụ 250.000 người tham gia tại Trung tâm Thương mại Quốc gia Hoa Kỳ để biểu tình vì khí hậu, khởi động dự án môi trường lớn nhất thế giới “Một tỷ hành động xanh” để giới thiệu các sáng kiến trồng cây xanh trên toàn cầu từ đó phát triển thành dự án Canopy và thu hút sự tham gia của 22.000 đối tác từ 192 quốc gia.
Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục môi trường cho dân số toàn cầu, những người đứng đầu Hiệp định Khí hậu Paris đã đưa giáo dục về khí hậu vào cuộc và kêu gọi chính phủ các nước hợp tác trong việc thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường giáo dục và tiếp cận thông tin về môi trường. Giáo dục môi trường bao gồm các khái niệm về phát triển bền vững, thúc đẩy các giá trị kinh tế gắn liền với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh (bao gồm cả việc làm và các cơ hội cho doanh nghiệp).
Các mô hình giáo dục về môi trường chính thức và không chính thức khác nhau đang “nảy mầm” trên khắp thế giới. Một số quốc gia đã áp dụng các giá trị của môi trường và khí hậu gắn với những hoạt động kinh tế trong tương lai. Phần Lan là một ví dụ, hệ thống giáo dục của quốc gia này đã được công nhận là hàng đầu thế giới, họ đã và đang giảng dạy về môi trường, những rủi ro về khí hậu trong hơn một thập kỷ qua. Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới như Italy, Ma-rốc, Nicaragua đang thông qua các đạo luật được dự báo sẽ tạo ra một thế hệ người lao động có hiểu biết và kỹ năng về năng lượng xanh.
Trong những năm gần đây, Ngày Trái đất được tổ chức rộng khắp các quốc gia, châu lục trong đó có Việt Nam với những chủ đề cụ thể mỗi năm. Được sự ủy quyền của Mạng lưới Ngày Trái đất thế giới, chương trình Ngày Trái đất Việt Nam 2015 với chủ đề “Rèn luyện sức khỏe, thân thiện môi trường” là sự kết hợp tuyệt vời giữa rèn luyện sức khỏe và hoạt động xanh. Sự kiện đã thu hút gần 3.000 người tham gia gồm nhiều đối tượng: tình nguyện viên, cộng tác viên nhiệt huyết đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố, người lớn tuổi và người nước ngoài công tác và sinh sống tại Việt Nam, với hơn 30 cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình.
Ngày Trái đất Việt Nam 2016 với chủ đề “Giữ hồ sông xanh cho cuộc sống an lành” tập trung khai thác các hoạt động vận động vui khỏe liên quan đến nước, nhằm hướng đến nâng cao nhận thức vai trò của nước đối với con người và tham vọng góp phần hạn chế thói quen vứt rác bừa bãi, thải chất độc hại xuống sông, hồ của người Việt Nam.
Ngày Trái đất 2017 với thông điệp “Cùng tham gia, cùng hành động vì nguồn nước sạch Việt Nam” khuyến khích các hoạt động tại cộng đồng để tham gia các chương trình giáo dục, giảng dạy về môi trường và khí hậu… Thông điệp “Cùng tham gia, cùng hành động vì nguồn nước sạch Việt Nam” đã tăng cường các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng trong kiểm soát và bảo vệ nguồn nước trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu, rộng tới sinh kế người dân.
Ngày Trái Đất 2018 với thông điệp "Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa" nhằm cảnh báo con người trước thực trạng nguồn tài nguyên biển đang ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng. Thông điệp “Chống lại ô nhiễm chất thải nhựa” với mong muốn kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động để chống lại một trong những thách thức lớn về môi trường trên toàn cầu.
Giữa bối cảnh các nhà khoa học thế giới liên tục cảnh báo những hệ quả khó lường của biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu, Ngày Trái đất 2019 với thông điệp "Vì một thế giới không rác thải" tựa như hồi chuông cảnh tỉnh con người biết nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên Trái Đất, từ đó, trân trọng và bảo vệ những gì mà chúng ta đang có trên hành tinh này.
Tại Việt Nam, ngày 20/4 vừa qua, tại khu vực số 2 đường Lê Thái tổ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội diễn ra chương trình hưởng ứng Ngày trái đất 2019. Sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, UBND quận Hoàn Kiếm và Tập đoàn Coca - Cola tổ chức.
Theo moitruongvadothi.vn