Thứ Bẩy, 23/11/2024 08:51:29 GMT+7
Lượt xem: 3381

Tin đăng lúc 09-03-2017

Nghệ An: Chất lượng lao động “chênh” với tiềm năng

Nghệ An được đánh giá là có thị trường lao động tiềm năng. Tuy nhiên, hiện chất lượng lao động chưa được đánh giá cao, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao. Bất cập chính là bởi chương trình đào tạo chưa sát với thực tế.
Nghệ An: Chất lượng lao động “chênh” với tiềm năng
Công ty May MLB Yên Thành - Nghệ An

“Sính” lao động phổ thông

Công ty TNHH Mavin Austfeed Nghệ An là doanh nghiệp mới đi vào hoạt động 6 tháng. Hiện công ty có 300 nhân viên. Riêng bộ phận công nhân gần 100% là lao động thủ công. Thời gian này, công ty đang tiếp tục có nhu cầu tuyển thêm 100 công nhân để mở rộng sản xuất kinh doanh với tiêu chuẩn duy nhất chỉ cần sức khỏe và độ tuổi. Anh Nguyễn Quốc Lâm, làm ở bộ phận xe nâng cho biết: Trước đây tôi đã tốt nghiệp Trường cao đẳng Giao thông vận tải và có nhiều năm kinh nghiệm. Vậy nhưng khi tuyển dụng vào đây, tôi cũng được xếp ngang với các lao động phổ thông khác. Đồng thời cũng phải đi đào tạo lại mới có thể đảm nhận công việc.

Theo ông Lê Trung Thành, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Mavin Austfeed Nghệ An: Công nhân của công ty có hai đối tượng, trong đó với những công việc đơn giản thì chỉ cần lao động phổ thông. Riêng với những bộ phận đặc biệt như công nhân đứng máy, công nhân lò hơi… thì chúng tôi cũng nhận lao động phổ thông nhưng công ty sẽ đào tạo lại trong 3-4 tháng. Với lao động phổ thông, hạn chế nhiều nhất chính là ý thức, kỷ luật làm việc. Vì vậy, khi gặp vấn đề thay vì nên gặp những người có trách nhiệm để kiến nghị, đề xuất, phản ánh thì họ lại lựa chọn cách đình công, kéo bè kéo cánh. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất mà còn ảnh hưởng đến chính người lao động.

 

Hiện ở Khu kinh tế Đông Nam có khoảng 17.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Tuy vậy, số lao động có tay nghề chỉ chiếm khoảng 50%. Thậm chí có doanh nghiệp, lao động phổ thông chiếm đại đa số. Đơn cử như ở Công ty TNHH Điện tử BSE, hiện có 4.993 lao động đang làm việc. Trong đó, lao động có trình độ từ trung cấp trở lên chỉ khoảng 200 người. Số còn lại là lao động phổ thông. Ở Công ty  Royal Food, lao động có trình độ đại học, cao đẳng là 77 người, lao động là công nhân kỹ thuật khoảng 200 người và lao động phổ thông là 68 người.

 

Ông Phan Xuân Hóa - Phó Trưởng ban Quản lý KKT Đông Nam cho biết: Hiện tại, các doanh nghiệp đang chủ yếu lựa chọn lao động phổ thông vào làm việc bởi đây là những lao động có sẵn tại địa phương. Điều này sẽ giúp họ tiết kiệm được tiền thuê trọ, đi lại và các chi phí khác. Bên cạnh đó, hiện nay các doanh nghiệp sử dụng lao động nhiều chủ yếu ở các lĩnh vực như may mặc, sản xuất đồ chơi trẻ em hay điện tử. Nhưng đây là lĩnh vực mức lương còn khá thấp. Vì vậy, với lĩnh vực này, khó thu hút được những lao động có tay nghề, trình độ.

 

Lao động tay nghề chưa “xứng” với tiềm năng

 

Từ năm 2012 đến nay, thực hiện đề án đào tạo lao động kỹ thuật cao thì số lao động có tay nghề chỉ tăng từ 44% lên 55%. Còn lại khoảng một nửa vẫn là lao động phổ thông. Sau 4 năm thực hiện đề án đã có 128 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường xuyên liên kết tiếp nhận, tuyển dụng 35.273 lao động kỹ thuật sau đào tạo vào làm việc. Nhưng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh và doanh nghiệp có vốn nước ngoài chỉ khoảng 17.000 người. Còn lại là làm việc tại các doanh nghiệp ngoại tỉnh, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hoặc tự tạo việc làm. Nguyên nhân chính bởi hiện tại, doanh nghiệp Nghệ An chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên cơ hội việc làm ở các doanh nghiệp trong tỉnh không nhiều, mức lương trả chưa hợp lý, nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề không cao. Bên cạnh đó, chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

 

Sau 4 năm tập trung đào tạo lao động kỹ thuật, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 51.131 người. Về số lượng, con số này chỉ đáp ứng được 71% mục tiêu đề ra. Về chất lượng, nhiều ngành nghề cơ cấu chưa hợp lý. Trong đó, những ngành nghề đang có nhu cầu sử dụng lao động cao thì tỷ lệ đào tạo quá thấp như xây dựng (chỉ đạt 29,59%); giao thông vận tải (42%); nông lâm thủy sản (52,17%).v.v. Ngược lại, có những ngành nghề đào tạo lại quá nhiều, dù nhu cầu không lớn như tiểu thủ công nghiệp (92,21%); thương mại - dịch vụ (70,79%). Việc đào tạo chưa sát với nhu cầu thực tế dẫn đến lãng phí “kép”, đó là lãng phí kết quả đào tạo và lãng phí lực lượng lao động.

 

Ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Nghệ An hiện là trung tâm đào tạo nhân lực cao của vùng nhưng chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật của một số ngành nghề còn thấp, thiếu tính thực tiễn, thiếu định hướng, dự báo và chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Cơ cấu một số ngành nghề còn mất cân đối giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng. Trong đó, một số vị trí việc làm yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhưng đào tạo còn hạn chế hoặc chưa được tổ chức đào tạo...”.

 

Từ những thực tế trên cho thấy, công tác đào tạo và sử dụng lao động ở Nghệ An vẫn còn nhiều bất cập. Từ nay đến năm 2020, dự báo nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật là 120.000 người, trong đó gần 50.000 lao động là làm việc trong tỉnh. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cao gắn với giải quyết việc làm cho người lao động trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh thì công tác đầu tiên là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Qua đó, để nâng cao tính liên kết và trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật với mục đích thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo. Thực hiện tốt công tác điều tra khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường sử dụng lao lao động để đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng. Ngoài ra, trong đào tạo cần tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng thường xuyên tiếp cận yêu cầu thực tiễn sản xuất - kinh doanh và cập nhật kịp thời tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới...

 

Theo tổng hợp của ngành lao động: Kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh đào tạo lao động cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An so với cả nước giai đoạn 2011 - 2015 tăng 7 bậc; Trong đó, năm 2011 xếp 28/63, tăng 4 bậc; năm 2013 xếp 17/63 tăng 19 bậc. Một số nghề sau đào tạo 100% lao động đều có việc làm thu nhập cao như: Hàn, cơ khí, điện, điện tử, quản trị khách sạn, công nghệ ô tô, xây dựng, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng…

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang