Thứ Sáu, 22/11/2024 07:42:12 GMT+7
Lượt xem: 4824

Tin đăng lúc 17-04-2020

Nghệ An: Đồng bộ các giải pháp phát triển CNHT đến năm 2025

Những năm gần đây, nhận thức được công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đóng vai trò rất quan trọng: Góp phần nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp; mở rộng khả năng thu hút FDI, phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển nền kinh tế, tỉnh Nghệ An đã và đang có những định hướng đúng đắn, cũng như ban hành các cơ chế, chính sách phát triển CNHT phù hợp với thế mạnh của địa phương.
Nghệ An: Đồng bộ các giải pháp phát triển CNHT đến năm 2025
Các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát đầu tư tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An (huyện Hưng Nguyên)

Thực trạng ngành CNHT của Nghệ An

 

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay, nhóm ngành CNHT trên địa bàn có sự tham gia của khoảng 90 doanh nghiệp (DN), chiếm 7,6% tổng số DN công nghiệp trong toàn tỉnh. Một số dự án điểm về CNHT mang lại giá trị sản xuất lớn như: Nhà máy điện tử HiTech BSE Việt Nam, Nhà máy Em-Tech Vinh… chuyên sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, viễn thông và các thiết bị ứng dụng trong điện thoại di động, vi mạch bán dẫn công nghệ cao với giá trị đầu tư đạt gần 50 triệu USD và đã tạo việc làm cho hơn 5.000 người.

 

Trong lĩnh vực CNHT sản xuất bao bì, in ấn và tem nhãn, toàn tỉnh có khoảng 20 DN chuyên sản xuất phụ kiện và một số cơ sở sản xuất hạt phụ gia cung cấp cho ngành sản xuất bao bì. Về sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, có 3 DN và một số cơ sở nhỏ lẻ sản xuất các phụ tùng linh kiện như: Sản xuất, lắp ráp thùng xe ô tô và các trang bị phụ trợ phục vụ sửa chữa và gia công cơ khí… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện còn có một số cơ sở hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, gia công một số thiết bị máy móc và sản xuất thiết bị đóng tàu thuyền, ngư lưới cụ...

 

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng CNHT của Nghệ An vẫn chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng. Trong đó, đáng chú ý là nguồn lực đầu tư và giá trị sản xuất. Bởi, ngành CNHT của tỉnh mới chỉ đạt trên 7.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 14% giá trị sản xuất của toàn ngành Công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh vẫn còn thiếu các dự án đầu tàu để tạo động lực thu hút đầu tư các dự án CNHT vệ tinh.

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là bởi chất lượng nguồn nhân lực của Nghệ An so với yêu cầu phát triển còn thấp và chưa đáp ứng được với sự phát triển CNHT. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và lực lượng lao động mặc dù đã được các cấp, ngành chú trọng, quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của ngành; Do công nghệ khá lạc hậu nên nhiều sản phẩm CNHT của tỉnh khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như không thể kết nối, liên kết với các DN, nhất là DN FDI; Hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, cấp điện, cấp nước chưa hỗ trợ kịp thời cho phát triển ngành CNHT nói riêng và công nghiệp nói chung.

         

 

Tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ cơ sở, DN trong lĩnh vực CNHT áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu chuỗi sản xuất toàn cầu

 

Nhiều giải pháp hỗ trợ cho CNHT phát triển

         

Xác định rõ CNHT là khâu đột phá để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của Nghệ An trong quá trình CNH –HĐH, tháng 4/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng và phê duyệt Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh tới năm 2025. Cụ thể, đến năm 2020, giá trị CNHT của tỉnh chiếm 20% giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp; Đào tạo lao động kỹ thuật cao tăng bình quân 5%/năm và chiếm 15% lao động ngành công nghiệp; phấn đấu giá trị sản xuất CNHT tăng bình quân 9-10%/năm để đến năm 2025 chiếm 10 - 12% giá trị toàn ngành công nghiệp.

 

Để thực hiện được các mục tiêu đó, dự kiến từ nay đến năm 2025, Nghệ An tập trung dành 32,8 tỷ đồng để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước xúc tiến thương mại. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành CNHT phát triển; Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng nguyên, vật liệu, cũng như áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu chuỗi sản xuất toàn cầu. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tiếp cận nguồn vay đầu tư dài hạn với lãi suất thấp; Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư giữa các nhà cung cấp FDI trong lĩnh vực CNHT được ưu tiên.


Đặc biệt, Nghệ An tập trung ưu tiên thu hút dự án CNHT công nghệ cao và các dự án lớn nhằm tạo động lực, thu hút vệ tinh phát triển CNHT, nhất là khu vực FDI để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp CNHT; Phấn đấu trong giai đoạn từ 2020 - 2025 tăng bình quân 3% doanh nghiệp/năm và đến năm 2025 có từ 10 - 12% số lượng doanh nghiệp toàn ngành có thể tham gia cung ứng vào chuỗi giá trị của các tập đoàn.

 

Anh Tuấn


Tag:Nghệ An

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang