Theo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 11 KCN lớn đã được quy hoạch xây dựng; trong đó, có 6 KCN đã, đang xây dựng, và đi vào hoạt động gồm: Bắc Vinh (60 ha); Tân Kỳ (600 ha); Nghĩa Đàn (200 ha); Sông Dinh (300 ha); Tri Lễ (200 ha); Phủ Quỳ (300 ha) được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung vào danh mục các Khu công nghiệp ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Ngoài ra, trên địa bàn Nghệ An còn có 17 cụm công nghiệp được quy hoạch xây dựng. Đặc biệt, Khu kinh tế Đông Nam với quy mô rộng 20.776,47 ha bao gồm: toàn bộ KCN Nam Cấm, Hoàng Mai, Đông Hồi, KCN - đô thị - dịch vụ VSIP và Hemaraj đang hoạt động. Nhìn chung cơ bản, các Khu kinh tế, KCN sau khi đi vào hoạt động đã và đang góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho địa phương.
Tuy nhiên hiện nay, tại các KCN vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy. Có nghĩa là sau khi nhà đầu tư đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghiệp thì việc thu hút doanh nghiệp vào hoạt động lại diễn ra một cách chậm rãi. Thậm chí, nhiều diện tích tại các khu công nghiệp trên địa bàn hiện nay đang bỏ hoang, gây lãng phí tư liệu sản xuất mà người dân trước đó đã nhường đất để giải phóng mặt bằng nhường đất cho xây dựng KCN.
Ông Phan Xuân Hoá - Phó Ban quản lý KKT Đông Nam chia sẻ, nguyên nhân là do năng lực tài chính của nhà đầu tư không đảm bảo; quá trình thi công xây dựng gặp phải vướng mắc do việc điều chỉnh các văn bản chính sách. Mặt khác, các doanh nghiệp lại cho rằng hạ tầng kỹ thuật của các KCN hiện nay vẫn chưa đồng bộ. Nhiều nơi ở Nghệ An vẫn còn vướng công tác giải phóng mặt bằng, giao thông, nước sinh hoạt, cơ chế chính sách thay đổi liên tục.
Để lấp đầy các KCN trọng điểm hiện nay, Nghệ An cần phải nỗ lực tạo môi trường thu hút các nhà đầu tư. Hiện tỉnh Nghệ An đang thay đổi cách làm thu hút đầu tư truyền thống là thông qua các hội nghị hội thảo, thay vào đó là tìm đến tận nơi các nhà đầu tư có tiềm lực, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh như phát triển các KCN công nghệ cao, thân thiện với môi trường; hình thành các khu công nghiệp phụ trợ vùng vệ tinh để tạo động lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.
Bên cạnh viêc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư trên địa bàn hoạt động thì Nghệ An đang tích cực đồng hành cùng nhà đầu tư khu công nghiệp; tăng cường xúc tiến đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.
Ông Phan Xuân Hóa cho biết, Ban đã tham mưu với UBND tỉnh nhiều giải pháp để tăng thu hút đầu tư vào các KCN và các khu kinh tế. Đối với chính sách, Ban đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam trong giai đoạn sắp tới.
Về công tác cải cách hành chính, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 72/2017 về trình thủ tục dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo hướng đơn giản thủ tục, cắt giảm thời gian và ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và Khu Kinh tế Đông Nam nói riêng.
Nguồn Congthuong