Chủ Nhật, 24/11/2024 13:15:37 GMT+7
Lượt xem: 1281

Tin đăng lúc 04-02-2021

Nghệ An phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Nghệ An đã phát huy được tiềm năng, lợi thế sản vật vùng miền và gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn và nâng cao giá trị sản phẩm. Đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 150 đến 180 sản phẩm OCOP; phát triển từ hai đến ba làng du lịch sinh thái cộng đồng tham gia chương trình OCOP và có ít nhất năm sản phẩm đạt năm sao để có thể xuất khẩu.
Nghệ An phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Phát huy tiềm năng lợi thế 

 

Quỳnh Lương, xã bãi ngang thuộc huyện Quỳnh Lưu có loại vi tảo quý mà ít nơi có được. Loại vi tảo này có thể phát triển thành các loại sản phẩm tảo Spirulina (tảo xoắn) để sản xuất thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe. Nhờ sự giúp đỡ chuyển giao công nghệ của Viện Công nghệ sinh học và các chuyên gia đầu ngành, Công ty CP Khoa học công nghệ tảo VN đã làm chủ và hoàn thiện quy trình phân lập, lưu giữ giống, công nghệ nuôi trồng các sản phẩm từ tảo xoắn tại Nghệ An. Các sản phẩm chế biến từ tảo xoắn Nghệ An đạt sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực. Năm 2019, triển khai chương trình OCOP, ba sản phẩm do công ty sản xuất là tảo xoắn, đậu tương lên men và đông trùng hạ thảo đã đạt bốn sao. Các sản phẩm sản xuất từ tảo xoắn Nghệ An có chất lượng tương đương với hàng ngoại nhập nhưng giá bán thấp hơn nhiều. Cùng với tiêu thụ trong nước, sản phẩm còn được người tiêu dùng tín nhiệm “xách tay” sang Lào, nhờ đó, sản lượng tiêu thụ tăng nhanh. Năm 2019, doanh thu của doanh nghiệp đạt bốn tỷ đồng, năm 2020 tăng hơn năm tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 50 lao động. “Hiện doanh nghiệp đang hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu các sản phẩm từ tảo xoắn và đạt OCOP năm sao”, Giám đốc Nguyễn Văn Hùng cho biết.

 

Sen quê Bác là biểu tượng văn hóa đặc biệt của Nam Đàn. Hai vợ chồng anh Phạm Kim Tiến đã biến biểu tượng này thành vật chất có giá trị. Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sen Quê Bác do anh Tiến thành lập đã chế biến sen thành các loại trà lá sen, trà ướp bông sen, trà liên tu (nhụy sen), trà tâm sen cùng các sản phẩm từ sen khác phục vụ du khách về thăm quê Bác và nhu cầu thưởng ngoạn trà của người dân. Ngoài việc tầm mua các giống sen quý về trồng ở Nam Đàn để sản xuất các loại trà sen, HTX còn lai tạo nhân ra giống sen “Made in Nghệ An” là hoa sen “ngàn cánh”, mầu trắng phớt hồng đặc biệt. Để tạo sản phẩm phong phú, chất lượng cao, HTX đã đầu tư hơn hai tỷ đồng mua máy móc, đầu tư công nghệ chế biến, thiết kế bao bì mẫu mã cùng các hỗ trợ quảng bá thương hiệu khác. Hiện HTX đã có bảy sản phẩm OCOP, trong đó hai sản phẩm bốn sao và năm sản phẩm đạt ba sao. HTX đang lên kế hoạch mở rộng diện tích sen nguyên liệu ở các địa phương khác, đồng thời mở hướng xuất khẩu sản phẩm.

 

Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho phát triển cây dược liệu cùng với sự hỗ trợ về giống, chuyển giao công nghệ của UBND tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nghệ An, anh Phan Xuân Diện cùng các cộng sự đã mạnh dạn thành lập Công ty CP dược liệu Pù Mát, sản xuất trà túi lọc: cà gai leo, dây thìa canh và giảo cổ lam. Sản phẩm được người tiêu dùng tin dùng và lượng tiêu thụ ngày một tăng. Sau khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP bốn sao, doanh nghiệp tự tin, chiếm lĩnh các thị trường “khó tính” ở các đô thị lớn, sản lượng tiêu thụ tăng thêm 20%. Đơn vị tiếp tục phát triển thêm 10 ha, nâng tổng số diện tích vùng nguyên liệu lên hơn 22 ha, tiến hành liên kết với gần 150 hộ dân, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số để trồng nguyên liệu. Mỗi héc-ta trồng dược liệu cho thu nhập từ 210 đến 270 triệu đồng, cao hơn bốn, năm lần so với trồng mía. Nhờ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Con Cuông. Trên cơ sở đó, địa phương tiếp tục quy hoạch mở rộng vùng trồng cây dược liệu cho công ty. “Hiện, doanh nghiệp đã đầu tư thêm máy móc, phát triển thêm các dòng sản phẩm cao cấp, là các loại cao dược liệu để người tiêu dùng thuận lợi hơn trong sử dụng” - Giám đốc Công ty CP dược liệu Pù Mát Phan Xuân Diện cho biết. 

 

115 sản phẩm OCOP đạt hạng ba sao trở lên là kết quả mà tỉnh Nghệ An có được trong hai năm qua, đạt 127,8% kế hoạch; trong đó, 26 sản phẩm OCOP đạt bốn sao và 89 sản phẩm đạt ba sao. Nghệ An là một trong những tỉnh đứng tốp đầu cả nước về số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP đạt ba sao trở lên. Các sản phẩm OCOP Nghệ An đã chứng tỏ được khả năng phát huy tiềm năng lợi thế đặc sản vùng miền. Điển hình như huyện Nam Đàn với các sản phẩm: Sen quê Bác, tương Nam Đàn, bột sắn dây, giò bê Nam Nghĩa. Các huyện Thanh Chương, Anh Sơn phát huy sản vật của vùng trung du như chè, cây có múi, gà đồi, nhút. Huyện Con Cuông khai thác sản phẩm làng du lịch cộng đồng (homestay), rượu men lá, thổ cẩm, cây dược liệu; Quỳnh Lưu có các sản phẩm tảo xoắn và đặc sản chế biến từ hải sản; Yên Thành phát huy sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, cây có múi; huyện rẻo cao Kỳ Sơn có gừng, chè tuyết Shan... Một số địa phương phát huy sản phẩm ngành nghề truyền thống như: Hương trầm Quỳ Châu; hương Thanh Đức; bánh đa Đô Lương; rượu Mú từn Long Lưu; nước mắm Cửa Lò, Diễn Châu; nước súc miệng gia truyền cai thuốc lá Xuân Vinh... 

 

Những vấn đề đặt ra

 

Trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương cùng ban chỉ đạo của các huyện, thị xã đã tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ và người dân hiểu về chương trình OCOP. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Chương Trần Phi Hùng cho biết: Ban chỉ đạo huyện đã cùng các chủ thể (liên quan đến các sản phẩm chè, hương trầm, cam, gà, trám, nhút...) hoàn thiện các khâu quan trọng mà người sản xuất còn yếu kém như hướng dẫn hồ sơ, thủ tục pháp lý, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, trong đó có nhãn mác, mã vạch sản phẩm, mã QR... đúng yêu cầu quy định trước khi đưa ra thị trường; mời cơ quan chức năng về đánh giá và công nhận chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP... Nếu sản phẩm đó đánh giá chưa đạt yêu cầu thì tiếp tục hướng dẫn, tập huấn cho chủ thể thực hiện cho đến khi sản phẩm bảo đảm điều kiện mới công nhận. Cùng với đó, địa phương hỗ trợ công tác quảng bá, trong đó có việc kết nối đưa sản phẩm tham gia các hội chợ thương mại. Các địa phương còn lồng ghép các chương trình, dự án, chuyển giao kỹ thuật công nghệ, chính sách trong xây dựng NTM để hỗ trợ cho các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Từng địa phương có chương trình hỗ trợ riêng cho từng sản phẩm, như người trồng, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở Thanh Chương, ngoài việc được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ OCOP, quản lý chất lượng theo ISO, còn được hỗ trợ 60 dàn máy bơm tưới chè...

 

Các sản phẩm sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã có tác động lớn đến xây dựng NTM tại các địa phương. Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn Hoàng Quyền cho rằng: Trong chương trình xây dựng NTM của địa phương, việc trên địa bàn xã có các sản phẩm OCOP đạt ba sao trở lên là rất quan trọng, bởi từ đó sẽ nâng cao được giá trị sản phẩm (đặc sản) của địa phương và tạo thêm việc làm, thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn, đồng thời người dân có điều kiện đóng góp xây dựng NTM hiệu quả hơn. Chẳng hạn như sản phẩm gà và trứng gà sạch của HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp sạch ở xã Lĩnh Sơn sau khi đạt sản phẩm OCOP ba sao với quy trình chăn nuôi dùng thảo dược thay thế thuốc kháng sinh thì số người đặt hàng mua sản phẩm ngày một nhiều. Với mẫu mã, bao bì có truy xuất nguồn gốc, sản phẩm trứng gà sạch đang từng bước vào siêu thị với giá bán cao hơn trứng gà thường. Nhờ có thương hiệu OCOP, giá trị sản phẩm được nâng cao, các thành viên HTX đang tiếp tục mở rộng trại nuôi gà. Hay 60 hộ dân ở xã Đỉnh Sơn được hỗ trợ trồng 50 ha cam Bãi Phủ theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi cam Bãi Phủ đạt sản phẩm OCOP, thì khách tìm đến vườn mua với giá cao hơn giá thị trường. Trên cơ sở thành công đó, xã Đỉnh Sơn đã lên kế hoạch sẽ phát triển hơn 200 ha cam Bãi Phủ, tạo thành làng nghề trồng cam Bãi Phủ, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 300 lao động nông thôn, nâng cao giá trị thu nhập cho các hộ dân tham gia. 

 

Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Lê Văn Lương cho biết: Tuy thời gian thực hiện chương trình OCOP ở Nghệ An chưa nhiều, nhưng ở nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo, nhất là phát huy tiềm năng lợi thế đặc sản vùng miền... Phát triển các sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Đây là tiền đề, động lực để phát triển kinh tế, xã hội và tạo ra sức lan tỏa trong khu vực nông thôn.    

 

Tuy nhiên, do thời gian triển khai ngắn nên số người hiểu biết về sản phẩm OCOP chưa nhiều. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao cũng như quảng bá các sản phẩm nhìn chung còn hạn chế. Do đó, để có nhiều sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao hơn và có thể vươn xa, Nghệ An cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông các sản phẩm OCOP; tiếp tục đào tạo, tập huấn nhằm giúp các chủ thể nâng cao kỹ năng sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; xây dựng các điểm trưng bày bán sản phẩm OCOP tại các địa phương; trao đổi sản phẩm OCOP giữa các tỉnh. Đồng thời, tiếp tục huy động lồng ghép các nguồn lực; phát huy vai trò chủ thể của cá nhân, doanh nghiệp, HTX và có cơ chế hỗ trợ tư vấn kịp thời. Các địa phương cần chủ động có chính sách hỗ trợ “ươm, tạo” các sản phẩm OCOP; tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, hình thành các sản phẩm OCOP,... Hy vọng đến năm 2025 tỉnh sẽ hoàn thành và vượt các chỉ tiêu chương trình OCOP đã đề ra, góp phần đưa nông thôn Nghệ An ngày một đổi mới.

 

Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh Nghệ An quy định một số chính sách hỗ trợ và thưởng thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, hỗ trợ 50% tổng chi phí mua sắm máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm OCOP; hỗ trợ 50% tổng chi phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị bảo quản, trang trí điểm cho đơn vị thực hiện việc giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP; hỗ trợ 50% tổng chi phí thiết kế, mua bao bì thương phẩm, mua nhãn hàng hóa. Thưởng lần lượt từ 30, 50 và 80 triệu đồng cho mỗi sản phẩm OCOP đạt hạng ba sao, bốn sao và năm sao.

 

Theo Nhân Dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang