Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:29:34 GMT+7
Lượt xem: 843

Tin đăng lúc 12-07-2022

Nghệ An: Ứng dụng khoa học công nghệ nâng tầm sản phẩm OCOP

Có thể nói, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, đưa chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng cao hơn. Những năm qua, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tích cực hỗ trợ lĩnh vực KHCN đối với sản xuất các sản phẩm OCOP, giúp nâng cao giá trị sản xuất, khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Nghệ An: Ứng dụng khoa học công nghệ nâng tầm sản phẩm OCOP
Ứng dụng KHCN trong sản xuất trà túi lọc dược liệu tại Công ty CP Dược liệu Pù Mát

Hiện nay, Nghệ An đã có 254 sản phẩm đạt từ 3 sao OCOP trở lên ở nhiều lĩnh vực như: Tiểu thủ công nghiệp, chế biến, thực phẩm, nông nghiệp… Đơn cử như sản phẩm trà dược liệu của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông) hiện có 7 sản phẩm đạt 4 sao OCOP. Ông Phan Xuân Diện, Giám đốc Cổ phần Dược liệu Pù Mát cho biết: “Để các sản phẩm OCOP của đơn vị khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng, thời gian qua chúng tôi không ngừng đẩy mạnh ứng dụng KHCN để cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm”.

 

Theo đó, toàn bộ diện tích trồng cây nguyên liệu được áp dụng công nghệ từ khâu trồng đến chăm sóc, thu hoạch, sơ chế. Nguyên liệu sau khi thu hoạch, được sấy khô trong 2 hệ thống máy sấy bơm nhiệt, máy sấy hơi bảo hòa để giảm thiểu tối đa phơi dược liệu ngoài trời, ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc chế biến sản phẩm cũng được cải tiến, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…

 

Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Sinh học An Hà (huyện Tân Kỳ) có sản phẩm nấm sò đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2021. Tại đây, hầu hết các công đoạn từ khâu xử lý nguyên liệu, đóng, hấp nấm đến quy trình chăm sóc đều áp dụng KHCN trong điều kiện có thể. Ông Cao Duy Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Sinh học An Hà, cho biết: “Chúng tôi đã đưa máy móc, trang thiết bị vào tất cả các khâu trong sản xuất, vì vậy sản lượng nấm của đơn vị ngày càng cao, chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng đánh giá cao”.

 

Để sản phẩm OCOP có  giá trị cao, khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thì tất yếu phải không ngừng đổi mới, đầu tư KHCN từ khâu sản xuất đến chế biến. Những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Phát triển Công Thương Nghệ An (Trung tâm) đã tích cực hỗ trợ về “vốn mồi”, giúp các cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng máy móc, kỹ thuật trong sản xuất, chế biến. Nhờ đó, các cơ sở đã thực hiện quy củ từ xây dựng vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ công nghệ, khắc phục các nhược điểm tới quyền sở hữu trí tuệ, tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Những kết quả nổi bật trong việc ứng dụng KHCN trong xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh không thể thiếu đóng góp quan trọng của Trung tâm nói riêng và ngành Công Thương Nghệ An nói chung.

 

Thời gian qua, ngành Công Thương cũng đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP. Đặc biệt là tỉnh đã thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối các nhà, hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng. Cùng với đó là triển khai công tác tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu ứng dụng tiến bộ KHCN để tư vấn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP tại các địa phương.

 

Minh Lê


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang