Chủ Nhật, 06/10/2024 13:29:02 GMT+7
Lượt xem: 3174

Tin đăng lúc 23-10-2019

Nghị quyết 50 mở ra một “kỷ nguyên mới” trong thu hút FDI

Lần đầu tiên sau 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 (khoá XII), về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, mở ra một “kỷ nguyên mới” trong thu hút vốn FDI của Việt Nam, kỷ nguyên của hợp tác “cuộn chiếu hoa - lắp cửa từ”. Nghị quyết 50 khẳng định việc thu hút đầu tư FDI phải đúng định hướng, kiên quyết không đánh đổi tất cả để thu hút đầu tư nước ngoài
Nghị quyết 50 mở ra một “kỷ nguyên mới” trong thu hút FDI
Nghị quyết 50 khẳng định việc thu hút đầu tư FDI phải đúng định hướng, kiên quyết không đánh đổi tất cả để thu hút đầu tư nước ngoài

Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế đem lại từ việc thu hút FDI. Thống kê cho thấy khu vực FDI luôn dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong tổng số giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 là 243,48 tỷ USD, thì khu vực FDI đạt 171,53 tỷ USD, chiếm đến 70,4%. Trong 7 tháng năm 2019, xuất khẩu FDI đóng góp hơn 101,1 tỷ USD (trong tổng kim ngạch xuất khẩu 289,26 tỷ USD của cả nước) và nắm tỷ trọng chủ yếu trong xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như máy tính, điện tử, linh kiện. Đáng chú ý, mức xuất siêu của Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp FDI.

 

Hơn 30 năm, 351 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam là con số ấn tượng từ dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI. Đó là kết quả từ những "chiếc chiếu hoa" được trải dài, mời gọi những người bạn đầu tư suốt nhiều năm. Nhưng bên cạnh đón nhận những người bạn chân chính, trên "chiếu hoa" cũng để lại dấu chân của những vị khách đang "núp bóng đầu tư". Chính vì thế, đã đến lúc, Việt Nam cần chủ động lắp thêm một "chiếc cửa từ" hiện đại để sàng lọc, hợp tác với một thế hệ những người bạn FDI mới. Đặt lên hàng đầu những tiêu chí: Chất lượng, hiệu quả, công nghệ, thân thiện môi trường, đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia.

 

Theo TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Doanh nghiệp FDI tồn tại như một ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam, sự liên kết giữa các DN FDI và các DN trong nước rất yếu. Nếu có biến động, họ có thể dịch chuyển dễ dàng, không đảm bảo tính phát triển bền vững”. Cũng theo TS. Vũ Tiến Lộc: “Thu hút đầu tư FDI nếu không được lựa chọn sẽ không đạt mục tiêu kết nối và thậm chí còn “chèn lấn” khu vực kinh tế tư nhân”.

 

 

Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

 

Nghị quyết (NQ) 50 về thu hút FDI được ban hành, đã có nhiều đánh giá cho rằng, một “kỷ nguyên mới” trong thu hút FDI đã chính thức được mở ra. Đó không còn là sự kỳ vọng mà đã trở thành hiện thực khi NQ không chỉ vạch ra mục tiêu về số lượng mà còn nhấn mạnh về chất lượng cũng như yêu cầu bức thiết trong đổi mới tư duy, hệ thống, thể chế.

 

Ngay từ tên gọi của NQ đã xác định rõ tâm thế chủ động của Việt Nam đối với dòng vốn FDI trong thời gian tới, đó không chỉ là "thu hút và sử dụng" mà đã trở thành "hợp tác đầu tư". Mang nội hàm mở rộng hơn, "hợp tác đầu tư nước ngoài" là hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động. 

 

Khái niệm "hợp tác đầu tư" đã thay đổi vị thế "trải chiếu hoa", "trải thảm đỏ mời gọi" suốt nhiều năm của Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang cái gì vào thì ta chấp nhận cái đấy và điều quan trọng là "chiếu hoa" chỉ trải dựa trên việc lựa chọn. Quyền lựa chọn nhà đầu tư với những tiêu chí rõ ràng thể hiện trong NQ 50 được rút ra từ những bài học kinh nghiệm lựa chọn nhà đầu tư trong quá khứ.

 

Vậy “chiếu hoa” sẽ trải, “cửa từ” sẽ mở chào đón những ai? Đó là những dự án công nghệ mới, những dự án sạch, trọng điểm quốc gia, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, có nghĩa chúng ta sẽ chào đón những người bạn lớn, cùng chí hướng và lớn hơn ta.

 

Một ví dụ cụ thể, trong đó có thể kể đến Samsung – doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995 với số tiền cam kết hơn 17,3 tỷ USD, đến nay đã giải ngân được hơn 90%. Trước những yêu cầu mới từ NQ 50 của Bộ Chính trị, Samsung cho biết đã có những sự chuẩn bị từ trước và theo những định hướng đầu tư của mình.

 

Ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết: “Trong lĩnh vực mở rộng sản xuất, chúng tôi đang tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao mà vẫn đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường, cùng với đó là nâng 20% số lượng vendor cấp I Việt Nam trong năm 2019 lên con số 42 và đến năm 2020 sẽ là 50 nhà cung ứng cấp I là DN Việt. Năm 2018, tổng giá trị XK của chúng tôi đạt hơn 60 tỷ USD, đóng góp 25% vào tổng kim ngạch XK của VN và dự kiến năm nay sẽ có những kết quả tích cực hơn nữa”.

 

 

Ở một diễn biến khác, theo nhận định của các chuyên gia, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, dòng vốn sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trong những trung tâm để tránh “lệnh trừng phạt” của Mỹ. Đó không chỉ là các nhà đầu tư của Trung Quốc, mà cả các nhà đầu tư nước khác “tháo chạy” khỏi Trung Quốc.

 

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang lại cho Việt Nam cơ hội thu hút dòng vốn FDI từ Trung Quốc do Việt Nam có môi trường kinh doanh thông thoáng, an ninh, chính trị ổn định và các nước đang sắp xếp lại chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các công ty lớn trên thế giới đang hoạt động đầu tư ở Trung Quốc sẽ tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro bằng cách chuyển một số cơ sở sản xuất hay thương mại sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Có lẽ, đó chính là lý do mà vừa qua “ông lớn” công nghệ google đã quyết định rời nhà máy khỏi Trung Quốc và sẽ sản xuất những chiếc điện thoại thông minh dòng pixel tại VN.

 

Có thể ví kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như ba đội quân chủ lực của kinh tế Việt Nam. Tiếp nối NQ về kinh tế tư nhân, NQ 50 ra đời, khẳng định việc thu hút đầu tư FDI phải đúng định hướng, kiên quyết không đánh đổi tất cả để thu hút đầu tư nước ngoài. Đã qua rồi thời kỳ trải thảm đỏ, mời gọi đầu tư, thu hút FDI bằng mọi giá mà thay vào đó, phải đón những người bạn lớn, cùng đồng lòng, cùng chí hướng để tạo thế kiềng ba chân vững chắc trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

 

Hoa Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang