Chủ Nhật, 06/10/2024 15:08:14 GMT+7
Lượt xem: 1491

Tin đăng lúc 12-09-2020

Năng lực của doanh nghiệp CNHT Việt đã có những bước tiến vượt bậc

Trước đây, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam bị đánh giá là không sản xuất được nổi bu lông, ốc vít để cung ứng cho các tập đoàn đầu tư nước ngoài (FDI), tuy nhiên, với sự nỗ lực của mình, cùng sự đồng hành của Chính phủ, đến nay, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được nội lực cũng như vị thế của mình khi gia nhập sâu vào nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năng lực của doanh nghiệp CNHT Việt đã có những bước tiến vượt bậc
Nhiều DN CNHT Việt đã tự tin tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Điều này được thể hiện rõ khi mới đây, tại chương trình kết nối cung ứng sản phẩm CNHT với các tập đoàn FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối, đã có 300 doanh nghiệp CNHT trong nước tham gia. Tại đây, nhiều doanh nghiệp Việt đã tự tin giới thiệu năng lực của mình, trong đó, rất nhiều doanh nghiệp không đơn thuần chỉ sản xuất các sản phẩm giản đơn như ốc vít, khuôn chế tạo, bao bì… mà đã sản xuất được những sản phẩm có giá trị gia tăng cao như lõi motor, chip điện tử, bảng bo mạch…

 

Nhiều tập đoàn FDI nhìn nhận, năng lực cung ứng sản phẩm CNHT của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Đơn cử, với 5 yêu cầu mà các tập đoàn đưa ra để được gia nhập vào chuỗi cung ứng là “an toàn chất nguy hại”; “môi trường”; “chất lượng nguồn nhân lực”; “chất lượng sản phẩm”; “an ninh nhà máy” thì thường chỉ có 3 chỉ tiêu đạt được là “an toàn chất nguy hại”, “chất lượng nguồn nhân lực” và “an ninh nhà máy”. Còn 2 chỉ tiêu “môi trường” và “chất lượng sản phẩm” không đạt. Thế nhưng, chỉ sau gần 2 tháng cải tiến, các doanh nghiệp Việt đã đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn FDI, đặc biệt chất lượng sản phẩm nâng từ 51% lên 88%. 

 

Chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá trình trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia, đại diện Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam-CTCP (VEAM) - một trong những doanh nghiệp CNHT đầu tiên của Việt Nam từng bước tiên phong tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho rằng, điều quan trọng là doanh nghiệp phải áp dụng toàn diện các giải pháp nhằm đảm bảo yêu cầu QCD (chất lượng, giá cả, giao hàng). Hiện nay, nhiều công ty có vốn của VEAM đã tham gia vào chuỗi cung ứng cung cấp thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Để có được kết quả này, doanh nghiệp đã có một quá trình thay đổi về quản lý, phát triển nhân sự, đầu tư kỹ thuật, đáp ứng những tiêu chuẩn đối với nhà cung cấp của từng loại sản phẩm cụ thể trong 20 năm gần đây. VEAM đã kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển các sản phẩm ở thị trường trong nước cũng như xu thế đặt hàng của nhà cung cấp toàn cầu. VEAM thành công kể cả trong lĩnh vực tạo phôi cũng như gia công các sản phẩm chính xác. Xác định mục tiêu và liên tục cải thiện là điều kiện cần để có thể đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh mà khách hàng đặt ra. Hay Công ty Tường Vinh, sau 20 năm hình thành và phát triển đã xây dựng được nhà máy sản xuất sản phẩm CNHT lớn với quy mô 40.000m2, tạo công ăn việc làm 1.000 người lao động. Sản phẩm chính của công ty là motor - trái tim hoạt động của tất cả các máy móc. Hiện Công ty đã gia nhập nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Công ty cũng đang chuẩn bị xây dựng thêm nhà máy sản xuất thứ 2 với quy mô tương tự.

 

 

Máy cắt laser chuyên xử lý gia công kim loại tấm khổ rộng của Công ty Nam Sơn

 

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM, các doanh nghiệp CNHT đang có sự tiến bộ vượt bậc về năng lực cạnh tranh. Ví dụ như Vinavit và Tiến Thịnh, sau hai năm đầu tư cải tiến đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung; hay Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Nam Sơn từ một đơn vị phân phối, Công ty đã đầu tư cho nghiên cứu phát triển, lắp ráp thành công thiết bị laser “made in Việt Nam”, cung cấp giải pháp cho Vinsmart, thậm chí xuất khẩu trực tiếp sản phẩm máy cắt và khắc laser mang thương hiệu Việt đi Hàn Quốc và Thụy Sỹ. Trước đó là Nidec và mới đây nhất là Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đã tìm hiểu sản phẩm của Nam Sơn dùng để cắt bo mạch điện tử trong quy trình sản xuất.

 

Bà Duy Oanh cho rằng, việc đáp ứng tiêu chuẩn gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nội không khó. Quan trọng là lãnh đạo doanh nghiệp có thực sự muốn chuyển đổi hay không. Hiện đã có nhiều tập đoàn FDI cam kết đưa các chuyên gia đến hỗ trợ doanh nghiệp Việt cải tiến năng lực sản xuất. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, sau khi Trung tâm phối hợp với các tập đoàn FDI cải tiến năng lực sản xuất, giảm tỷ lệ hàng lỗi, khắc phục yếu kém trong khâu quản trị… thì đã có hơn 30 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gia nhập được vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn Samsung, Schneider, Sony, Honda, Sanyo… Còn về chính sách thanh toán, Trung tâm cũng như các tập đoàn FDI đã làm việc với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để có nhiều chính sách linh hoạt hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt. 

 

EVFTA đã có hiệu lực thực thi từ 01/8/2020, thời gian tới khi hiệp định này thực sự tác động đến sản xuất và thị trường trong nước thì cơ hội của doanh nghiệp CNHT ngày càng rộng mở, nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần nâng năng lực cung ứng từ phạm vi trong nước ra toàn cầu. Trong bối cảnh môi trường cạnh tranh như hiện nay, muốn tham gia được vào chuỗi cung ứng CNHT toàn cầu và tồn tại được trong chuỗi cung ứng đó thì năng lực cạnh tranh phải chủ yếu từ nội lực của doanh nghiệp. Trong đó, năng lực quản trị và con người là yếu tố cơ bản, kỹ thuật và công nghệ có ý nghĩa quyết định khi được lựa chọn đúng đắn. Điều quan trọng là các doanh nghiệp không được tự thỏa mãn, phải liên tục có sự cải tiến, sáng tạo, hoàn thiện mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

 

Minh Vũ


Tag:CNHTFDI

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang