Thứ Sáu, 22/11/2024 00:27:38 GMT+7
Lượt xem: 3267

Tin đăng lúc 12-09-2016

Nghiên cứu - Trao đổi: Nhận rõ thách thức để có giải pháp hợp lý chặn đà suy giảm kinh tế

Có thể nói, nền kinh tế nước ta trong những tháng đầu năm nay diễn ra trong bối cảnh không mấy thuận lợi. Kinh tế thế giới vẫn chưa ổn định, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc suy giảm, kinh tế Mỹ, Nhật Bản, EU vẫn tăng trưởng chậm. Thương mại toàn cầu trì trệ, giá cả hàng hóa thế giới vẫn ở mức thấp.
Nghiên cứu - Trao đổi: Nhận rõ thách thức để có giải pháp hợp lý chặn đà suy giảm kinh tế
Ảnh minh họa

Trong nước, tình hình thời tiết thất thường, đầu năm miền Bắc giá rét kéo dài, tiếp đó các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ bị hạn hán nặng. Môi trường biển một số tỉnh miền Trung bị hủy hoại nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp cả nước. Bên cạnh đó, việc kiện toàn tổ chức và nhân sự sau Đại hội Đảng lần thứ XII và Quốc hội khóa XIV cũng phần nào có “độ trễ” trong thời gian đầu.

         

Với quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, nền kinh tế nước ta mấy tháng gần đây cũng có những điểm sáng nhất định. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tăng 2,35%, tín dụng tăng 6,18%, thị trường ngoại hối không biến động nhiều, dự trữ ngoại tệ ở mức cao nhất từ trước tới nay, vấn đề an sinh xã hội được bảo đảm… Tuy nhiên, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan, thì hiện nay nền kinh tế nước vẫn đang đứng trước nhiều thách thức không nhỏ.

         

Trước hết, phải thừa nhận rằng, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đã giảm so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2015 GDP tăng 6,32%, 6 tháng đầu năm nay GDP tăng 5,52%). Nhiều ngành chủ lực của nền kinh tế có mức tăng trưởng giảm. Trong đó, đáng chú ý là lần đầu tiên sau nhiều năm ngành nông, lâm, thủy sản sụt giảm 0,18%. Ngành công nghiệp và xuất khẩu cũng không đạt mức tăng trưởng như năm ngoái (chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 7,5%, năm 2015 tăng 9,7%; xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay tăng 5,9%; năm ngoái tăng 9,3%).

 

Thách thức lớn hiện nay mà nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia quan tâm sâu sắc là nợ công cao và áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu NSNN (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Dự báo chi trả nợ sẽ tăng cao hơn trong các năm 2016-2018.

 

Việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả, lãng phí lớn. Chỉ số ICOR bình quân giai đoạn 2011-2015 là 6,92% (cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, Trung Quốc là 6,4%, Malaysia là 5,4%, Inđônêsia là 4,64%, Philippin là 4,1%). Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Bội chi NSNN liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Thu ngân sách khó khăn, nhất là ngân sách Trung ương; nợ đọng thuế còn lớn. Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm còn chậm; giải ngân đạt thấp hơn cùng kỳ, trong đó vốn NSNN chỉ đạt 32,2% kế hoạch (cùng kỳ 2015 đạt 44,4%), vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 22% (cùng kỳ 2015 đạt 34%). Tỷ trọng chi thường xuyên tăng từ 55% lên 65%.

 

Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn nhiều rủi ro. Hoạt động của DNNN gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp; năng lực quản trị, giám sát nội bộ còn yếu kém. Một số dự án đầu tư lớn của tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí, hiệu quả thấp, thua lỗ triền miên; công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập. Tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài DNNN chưa đạt kế hoạch.

 

Trong khi đó, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Quy định điều kiện kinh doanh còn phức tạp, nhiều giấy phép con vô lý. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn, lãi suất vay còn cao. Sáu tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 12.203 doanh nghiệp, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp này sẽ hoạt động kinh doanh trở lại khi hết thời hạn tạm ngừng. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 18.916 doanh nghiệp, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 6 tháng qua, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể của cả nước là 5.507 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, có đến 36.626 doanh nghiệp ngừng hoạt động và hoàn tất việc giải thể, tương ứng mỗi ngày có đến 203 doanh nghiệp ngừng hoạt động và hoàn tất giải thể.

 

Quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới có mặt bất cập, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi bán lẻ hiện đại còn hạn chế. Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm còn nhiều, gây bức xúc xã hội. Còn diễn ra nhiều vụ lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen tràn lan.

 

Tái cơ cấu nhiều ngành nghề, lĩnh vực triển khai chậm, còn lúng túng. Phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa đạt mục tiêu đề ra. Quản lý du lịch còn nhiều bất cập, nhiều du khách không hài lòng khi đến Việt Nam và ít người quay trở lại.

 

Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế. Đánh giá tác động môi trường khi cấp phép đầu tư còn hình thức, giám sát thực hiện còn yếu kém; phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời, nên đã xảy ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng. Tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản, chặt phá rừng trái phép liên tục xảy ra. Chất lượng môi trường tự nhiên bị xuống cấp.

         

Cải cách thủ tục hành chính, năng lực xây dựng, thực thi pháp luật, cơ chế chính sách còn hạn chế, còn đùn đẩy trách nhiệm, phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn nghiêm trọng.

         

Ngoài những thách thức nổi cộm trên, còn nhiều vấn đề đang xảy ra gây bức xúc trong dư luận.

         

Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đặt ra trong năm 2016 và thời kỳ 2016-2020 khá nặng nề, đòi hỏi phải có nỗ lực, quyết tâm cao và những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ.

         

Trước hết cần ổn định kinh tế vĩ mô. Coi đây là trọng tâm của cả quá trình. Cần chủ động, linh hoạt điều hành, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác. Kiểm soát lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế. Giảm chi NSNN. Tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả nợ công. Hoàn thiện cơ chế đấu thầu và mua sắm công tập trung.

 

Thúc đẩy những lĩnh vực chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ cơ chế xin cho, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhanh chóng xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện pháp luật về đăng ký kinh doanh. Kiên quyết xóa bỏ giấy phép con không phù hợp.

 

Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường quản lý, giám sát đầu tư công. Tăng cường huy động nguồn lực, khuyến khích khu vực ngoài nhà nước, kể cả FDI tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

 

Tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, liêm chính. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, hội nhập quốc tế. Kiên quyết chống tham những, lãng phí trong mọi lĩnh vực.

 

An sinh xã hội là vấn đề cần luôn được coi trọng và đầu tư thỏa đáng vì nó có tính quyết định đến sự phát triển trên mọi lĩnh vực của đất nước.

 

Sau Đại hội Đảng lần thứ XII và Quốc hội khóa XIV, nhiều thuận lợi cơ bản đang đặt nền móng cho chặng đường sắp tới. Tuy nhiên, không thể xem nhẹ những khó khăn, thách thức phải đối mặt. Vấn đề cơ bản là phải nhận rõ được tính chất, mức độ và hậu quả của những lực cản đã và đang diễn ra để có những giải pháp phù hợp, cụ thể.

 

Xuân Hà


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang