Từ năm 2015, huyện Chi Lăng hỗ trợ người dân trồng na theo hướng an toàn. Cây na đã góp phần không nhỏ trong việc giúp cho rất nhiều gia đình ở địa phương xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, theo hướng bền vững. Gia đình chị Vi Thị Dung, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn tham gia chương trình na Vietgap được hơn 2 năm. Kinh tế của gia đình đã khấm khá lên nhờ cây na.
“Giờ đang vào đầu vụ na, gia đình vẫn cứ chăm sóc cho quả na thật đẹp, sạch để đưa ra thị trường, thương lái cũng biết đến na sạch của Chi Lăng, và cây na cũng mang lại hiệu quả kinh tế, năng suất cao” - chị Vi Thị Dung, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng nói.
Đến nay, huyện Chi Lăng đã có khoảng 150 ha diện tích Na đạt tiêu chuyển VietGap và GlobalGap với 3.500 hộ đăng ký tham gia. Với cách trồng, chăm sóc như hiện nay, trung bình 1 ha người dân trồng khoảng 460 gốc, sản lượng sẽ đạt từ 8 - 10 tấn. Giá thị trường đang dao động ở mức 30.000 – 50.000 đồng/kg. Với 1 ha Na, người dân thu nhập khoảng 240 – 250 triệu đồng/vụ.
Để na có thêm thị trường tiêu thụ ổn định đầu ra, các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, đặc biệt là việc tổ chức lễ hội na vào tháng 8 hàng năm. Ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Điểm mới năm nay là Ngày hội na Chi Lăng được diễn ra trong 2 ngày. Song song với đó, chúng tôi tổ chức vừa là trưng bày, vừa giới thiệu sản phẩm trong vòng khoảng 8 ngày. Huyện Chi Lăng, huyện Hữu Lũng, thống kê tất cả các hộ gia đình, các tổ hợp tác trồng Na theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, kết nối và cung cấp thông tin cho các siêu thị, các chợ ở Hà Nội để chúng tôi xây dựng, cho truy xuất nguồn gốc đối với Na Chi Lăng.”
Lễ hội na xứ Lạng được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu đặc sản na và hình ảnh Lạng Sơn đến đông đảo nhân dân trong nước và quốc tế. Anh Nông Văn Cường, một hộ trồng na có tiếng ở xã Mai Sao, huyện Chi Lăng tỏ ra háo hức: “Chúng tôi sẽ lựa chọn những quả na có đủ kích cỡ tương đối tốt, mẫu mã đẹp mắt, mà phải chọn trong những vườn áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap chúng tôi mới mang đi.”
Ngày hội na Chi Lăng sẽ được diễn ra trong 2 ngày.
Còn chị Hoàng Thị Mai ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng mong chờ ngày hội sẽ là cơ hội để chị cùng bà con nông dân chia sẻ cách trồng Na sạch, để mọi người an tâm khi sử dụng loại quả đặc sản. Tại lễ hội na sẽ trình bày khâu chăm sóc, cắt tỉa, bẫy bả ruồi vàng rồi phun thuốc theo đúng tiêu chuẩn VietGap.
Ban Tổ chức ngày hội na sẽ tuyển chọn những vườn na được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Globalgap đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tham gia hội thi trong ngày Hội.
“Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chi Lăng phối hợp các xã, thị trấn duy trì diện tích hơn 1.000 ha sản xuất na theo tiêu chuẩn an toàn. Và mở rộng diện tích trồng Na an toàn theo hướng VietGap. Hiện tại đã mở rộng được trên 150 ha theo tiêu chuẩn VietGap” - ông Lương Thành Trung – Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn nói.
Nhằm tránh tình trạng nhái thương hiệu Na Chi Lăng, với sự hướng dẫn từ Bộ NN&PTNT, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức dán tem truy xuất nguồn gốc trên quả na để giúp người tiêu dùng phân biệt na Chi Lăng. Cùng đó, việc dám tem truy xuất nguồn gốc còn để hướng đến việc xuất khẩu na sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch và các thị trường khác. Với sự trợ lực của chính quyền và các cơ quan, doanh nghiệp, Na Chi Lăng đang khẳng định được vị trí xứng đáng là đặc sản của Xứ Lạng, là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam./.
Theo Vov