Tính từ năm 2016 tới nay, TTKC đã tổ chức gần 50 Hội nghị tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) cho gần 10.000 người dân trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ kinh phí lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời (NLMT) cho 350 hộ gia đình. Đồng thời thực hiện nhiều phương thức như phát tờ rơi, cẩm nang, sổ tay tuyên truyền về các biện pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL)…
Riêng trong năm 2018 – 2019, TTKC đã tổ chức 34 Hội nghị tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho 7 huyện, trong đó nội dung tuyên truyền xung quanh việc tư vấn cho người dân kỹ năng lựa chọn sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện (TKĐ), ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc tái tạo năng lượng từ nhiệt mặt trời và các chất thải trong sản xuất, chăn nuôi để phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng. Nhìn chung, tại tất cả các địa phương, từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp đều tích cực hưởng ứng và có ý thức TKNL.
Đã có nhiều hộ gia đình vùng nông thôn sau khi được tập huấn, tuyên truyền đã tự đầu tư các thiết bị TKNL như thay thế các bóng đèn TKĐ; xây dựng hầm khí biogas; đầu tư hệ thống bình nước nóng bằng NLMT; quan tâm đến việc thiết kế, xây dựng nhà ở tận dụng ánh sáng tự nhiên; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn compact thay đèn sợi đốt trong gia đình…
Tại huyện Tiền Hải, toàn huyện có khoảng hơn 300 bể biogas xử lý chất thải chăn nuôi, trên 700 hộ lắp bình nước nóng năng lượng mặt trời và hàng nghìn hộ dân sử dụng các thiết bị điện sinh hoạt TKĐ, thân thiện với môi trường. Trong đó mô hình xây bể biogas của chị Hoàng Thị Na (xã Đông Cơ) là một ví dụ của việc vừa xử lý ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm nguồn năng lượng tiêu thụ. Được biết, gia trại của gia đình chị Na áp dụng quy trình hoạt động của bể biogas, tận dụng khí làm chất đốt từ nhiều năm trước.
Chị Na cho biết, khi chưa có công trình này, tình trạng mất vệ sinh môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi thường xuyên diễn ra, gây khó chịu cho các hộ lân cận. Để không ảnh hưởng đến môi trường tại khu dân cư, chị Na đã đầu tư 12 triệu đồng để xây dựng bể biogas. Gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng ngày thải ra đủ lượng phân để cung cấp khí làm chất đốt đun nấu. Mô hình bể biogas của gia đình chị Na không chỉ bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn giúp gia đình tiết kiệm được từ 350.000 - 400.000 đồng/tháng cho việc mua gas, than, củi…
Về xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ, không khó để bắt gặp hình ảnh những giàn NLMT lắp đặt trên mái những ngôi nhà cao tầng. Theo kết quả khảo sát của UBND xã Quỳnh Thọ, toàn xã có gần 1.500 hộ thì có tới trên 30% số hộ đã sử dụng bình nước nóng NLMT. Ông Nguyễn Công Định, thôn Bắc Sơn sử dụng bình nước NLMT từ năm 2012 đến nay cho biết: Gia đình tôi có 6 nhân khẩu. Từ ngày có bình nước NLMT, lúc nào mọi người cũng có nước nóng sử dụng, không còn phải lo lắng nhiều về tiền điện và tiền gas để đun nấu nữa. Còn ông Nguyễn Công Xuyên, thôn Bắc Sơn chia sẻ: “Trước đây tôi chưa biết đến những lợi ích của việc lắp đặt bình nước nóng NLMT, nhưng sau khi tham dự hội nghị tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức tại địa phương và được tư vấn về các giải pháp để TKĐ đối với những thiết bị trong gia đình, trong đó có việc lựa chọn lắp đặt bình NLMT, tôi đã quyết định lắp đặt bình nước nóng NLMT. Không chỉ thuận tiện trong tắm, giặt, bình nước nóng NLMT còn cung cấp nước nóng cho việc nấu ăn hàng ngày nên gia đình đã giảm được rất nhiều chi phí cho tiền điện, gas, than để đun nước”.
Mô hình Biogas đã giúp nhiều hộ gia đình ở Thái Bình bảo vệ môi trường và tiết kiệm tiền mua chất đốt hàng tháng
Ở huyện Vũ Thư, công tác tuyên truyền về TKNL đã giúp cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại đây thay thế công nghệ cũ, lạc hậu bằng các loại máy móc hiện đại vào sản xuất, qua đó giúp TKĐ, tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm làm ra.
Ông Trần Vương Miện - Chủ cơ sở sản xuất và gia công đồ gỗ Vương Miện tại thôn Đông Tiến, xã Việt Tiến cho biết: “Cơ sở sản xuất đồ gỗ của tôi được thành lập cách đây hơn mười năm, với ngành nghề chính là sản xuất các sản phẩm mộc: Bàn ghế, tủ thờ... Thời gian đầu, các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất tại cơ sở chủ yếu là đã qua sử dụng, tiêu tốn nhiều điện năng và cho hiệu suất thấp. Sau khi tham dự Hội nghị tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Trung tâm Khuyến công tỉnh Thái Bình tổ chức gần đây, chúng tôi đã mạnh dạn thay đổi theo hướng ứng dụng máy móc TKĐ vào sản xuất. Đầu năm 2018, cơ sở sản xuất chúng tôi đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua mới một số máy như: Máy xẻ gỗ, máy bào, máy tiện… Đây là những thiết bị gia công các loại gỗ và tạo ra các sản phẩm có độ chính xác cao. Nhờ đó, năng suất lao động tăng lên, gấp nhiều lần so với trước đây. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, lượng điện năng được tiết kiệm rất nhiều, tiếng ồn của máy giảm đi, cải thiện điều kiện làm việc của nhân công, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm…”.
Rõ ràng, TKNL đang thực sự được lan tỏa tại Thái Bình. Với gần 95% các hộ gia đình đã thay thế sử dụng hệ thống thiết bị TKNL trong gia đình, hơn 40% hộ dân đã sử dụng bình NLMT trong sinh hoạt hàng ngày… đã cho thấy TKNL đang được mọi người, mọi nhà ở Thái Bình tích cực hưởng ứng. Thời gian tới, TTKC sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền về TKNL trên địa bàn tỉnh để giúp người dân nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, bởi tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả là chung tay góp phần để kinh tế địa phương phát triển.
Bảo Kiên