Bộ Công Thương cho biết tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 10/2015 ước đạt 274,7 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 1,35% so với tháng 9 năm 2015. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 2.661,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,65% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu loại bỏ yếu tố giá thì tăng 8,9%.
Sức mua tăng thấp
Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 10 tháng năm 2015, bán lẻ hàng hoá ước đạt 2.026,187 nghìn tỷ đồng (tăng 10,73% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 76,13%); lưu trú, ăn uống đạt 307,6 nghìn tỷ đồng (tăng 5,04%, chiếm tỷ trọng 11,56%).
Riêng ngành du lịch đạt 25,263 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 2,97%, chiếm tỷ trọng 0,95%. Các dịch vụ khác đạt 302,54 nghìn tỷ đồng, tăng 2,71%, chiếm tỷ trọng 11,37%.
Đánh giá chung cho thấy mức tăng này không cao so với những năm trước, thậm chí có mức tăng thấp ở lĩnh vực du lịch, ăn uống. Số liệu trên có vài điểm phù hợp trong báo cáo khảo sát quý III/2015 của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen khi cho rằng chỉ số niềm tin người tiêu dùng chỉ tăng nhẹ, đạt 105 điểm.
Kết quả khảo sát của Nielsen cho biết người tiêu dùng Việt đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về xu hướng hạn chế chi tiêu cho các khoản chi phí trong gia đình.
Có 86% số người được khảo sát nói rằng đã điều chỉnh thói quen chi tiêu của mình trong 12 tháng qua để tiết kiệm chi phí. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do hầu hết họ đều cho rằng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng ở thời điểm hiện tại.
Đa số người tiêu dùng cho biết sẽ cắt giảm các khoản chi phí liên quan đến ga, điện, các khoản chi tiêu giải trí bên ngoài gia đình, các khoản chi cho quần áo mới và chi phí tiền điện thoại.
Cũng dựa trên khảo sát của Nielsen, tình trạng thực tại của nền kinh tế và sức khỏe là mối quan tâm lớn của người tiêu dùng Việt trong những tháng tới.
Theo nhận định của Nielsen, từ quý IV/2015, niềm tin tiêu dùng sẽ tăng trở lại và người dân sẽ mạnh dạn chi tiêu hơn do cận những ngày lễ tết. Tuy nhiên, mức độ tiêu dùng vẫn chưa thể phục hồi bình thường.
Các chuyên gia kinh tế nhận xét, sức mua trong quý III/2015 giảm một phần là do thời điểm này người dân không mua sắm nhiều nhằm tiết kiệm chuẩn bị cho nhu cầu sử dụng cuối năm.
Phần khác, tác động bởi sự biến động tỷ giá đã tạo tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Cho nên tuy các doanh nghiệp tăng cường các hình thức khuyến mãi, kể cả giảm giá trực tiếp trên sản phẩm mới nhưng sức mua vẫn không cải thiện.
Cần giải pháp nâng tổng cầu
Về phía các doanh nghiệp, họ nhìn nhận thực chất của vấn đề sức mua là do yếu tố khách quan của nền kinh tế, đặc biệt là các chính sách vĩ mô. Doanh nghiệp có thể chủ động giảm chi phí, hy sinh lợi nhuận nhưng không thể chủ động để tăng sức mua trên thị trường được.
Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2015 cũng sẽ chỉ tăng khoảng 0,18% so với tháng 10 và dự báo cả năm, CPI sẽ dao động từ 1,5%-2%, thấp hơn từ 3-3,5 điểm phần trăm so với mục tiêu 5% năm nay và là mức thấp nhất trong 15 năm qua.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), nhận định diễn biến giá cả tháng 11 và những tháng cuối năm sẽ tăng nhưng không nhiều do nguồn cung dồi dào, giá cả được kiểm soát tốt…
Theo dự báo, trong những tháng tới do nhu cầu một số loại nguyên liệu, vật tư, phục vụ sản xuất và chuẩn bị hàng hóa cho dịp cuối năm tăng cùng với tình hình xuất khẩu một số mặt hàng khả quan hơn nên giá hàng hóa trong nước sẽ tăng nhẹ, tuy nhiên không có sự đột biến về giá.
Trước diễn biến thị trường hiện nay, giới phân tích lưu ý điều trước tiên là các doanh nghiệp cần tự rà soát lại năng lực của chính mình, tìm những giải pháp xây dựng chiến lược riêng, phù hợp để phát triển. Nhất là cần đẩy mạnh việc đưa hàng hóa ra hệ thống phân phối, đến các vùng miền nông thôn.
Các doanh nghiệp phải tái cấu trúc hệ thống phân phối, biết cách gìn giữ thương hiệu, để khách hàng luôn bên cạnh mình trong những lúc khó khăn.
Riêng với các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, để giải bài toán hiệu quả nhất vẫn là tăng mức khuyến mãi bằng cách giảm giá trực tiếp trên sản phẩm mới mong bán được hàng. Yếu tố niềm tin cũng tác động mạnh mẽ tới tâm lý và hành vi mua sắm của người dân.
Cũng cần để ý thêm, cùng thời điểm công bố của Nielsen, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố một bảng đánh giá rủi ro kinh tế của các nước tham gia vào Thỏa thuận Hỗ trợ Tín dụng Xuất khẩu của OECD. Theo kết quả mới cập nhật, Việt Nam vẫn đang giữ nguyên mức điểm 5 đã nhận được từ tháng 4/2009 tới nay. Điều đó cho thấy Việt Nam vẫn chưa cải thiện được thứ hạng trên bảng xếp hạng rủi ro của OECD.
Nói chung, nhìn vào thực tại của nền kinh tế, để kích cầu, các nhà hoạch định chính sách cần sớm triển khai giải pháp nâng tổng cầu, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh thì mới có thể cải thiện chỉ số niềm tin nơi người tiêu dùng.
Nguồn: Thời báo kinh doanh