Thứ Sáu, 22/11/2024 12:55:48 GMT+7
Lượt xem: 3096

Tin đăng lúc 25-10-2016

Người Mỹ vẫn "chuộng" tôm Việt Nam

Dù thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh nhưng trong 9 tháng qua, xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Người Mỹ vẫn "chuộng" tôm Việt Nam
Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tính tới tháng 9/2016, tiêu thụ tôm của Việt Nam thuận lợi hơn so với năm trước do nhu cầu thị trường chính (Mỹ, EU) tăng trong khi nguồn cung giảm. Nhu cầu tôm đặc biệt là tôm sú ở Mỹ và Trung Quốc đang tăng mạnh trong bối cảnh sản lượng tôm sú tại Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia có thể giảm do bệnh đốm trắng tác động từ biến đổi khí hậu.

 

Theo thống kê của Vasep, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 9/2016 đạt 318,3 triệu USD; tăng 4,4% so với tháng 9/2015. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 2,2 tỷ USD; tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Về thị trường, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang top 5 thị trường chính vẫn tăng trưởng khả quan trừ Nhật Bản giảm 4,2%, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tốt nhất 30,3%; xuất khẩu sang Mỹ, EU, Hàn Quốc tăng lần lượt 15,2%; 6,9% và 12,3%....

 

Đáng chú ý đối với thị trường Mỹ, trong 9 tháng qua, XK tôm Việt Nam sang Mỹ chỉ giảm nhẹ 1,5% duy nhất trong tháng 6; các tháng còn lại đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2015. Kể từ tháng 4/2016, XK tôm sang Mỹ liên tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước đó. Giá trị XK trong tháng 9/2016 đạt cao nhất từ đầu năm với gần 85 triệu USD, tăng 9,4% so với tháng 9/2015. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, giá trị XK tôm sang thị trường này đạt 520,2 triệu USD; tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Vào ngày 7/9/2016, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 10 (POR10) áp dụng cho những lô hàng XK từ ngày 1/2/2014 đến ngày 31/1/2015. So với mức thuế cuối cùng của POR9, mức thuế cuối cùng của POR10 đã tăng lên đáng kể, từ 0,91% tới 4,78% đối với cả công ty bị đơn bắt buộc và tự nguyện.

 

Nguyên nhân chính dẫn tới biên độ phá giá tăng đáng kể trong POR10 là do DOC tiếp tục áp dụng phương pháp định giá phân biệt, cho phép DOC tái sử dụng phương pháp quy về không để tính toán biên độ phá giá. Phương pháp tính toán này là vô lý và vi phạm các quy định của WTO.

 

Các DN đang chuẩn bị số liệu đầy đủ và vận động tối đa các nhà NK sẵn sàng tham gia phân tích và trả lời các bảng câu hỏi sẽ được phát hành để tiếp tục theo đuổi đợt xem xét hoàng hôn ở cả DOC và Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT).

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cùng với các nước sẽ tiếp tục sử dụng các biện luận về vấn đề không gây thiệt hại đến sản xuất nội địa của Mỹ như đã làm trong lần xem xét thuế chống trợ cấp. Có thể nói, từ nay đến tháng 7/2017 sẽ là khoảng thời gian quan trọng cho các DN tôm Việt Nam tham gia đầy đủ đợt xem xét hoàng hôn lần này để tận dụng cơ hội quan trọng này rút ra khỏi vụ kiện.

 

Vasep dự báo mặc dù XK tôm Việt Nam 9 tháng đầu năm vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương, các DN phải ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức như thuế CBPG tăng cao và yêu cầu chất lượng khắt khe từ các thị trường NK chính. Dự kiến, XK tôm Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 3,1 tỷ USD; tăng 3,3% so với năm 2015.

 

Nguồn Doanhnghiepvn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang