Thứ Sáu, 22/11/2024 01:04:13 GMT+7
Lượt xem: 4686

Tin đăng lúc 26-09-2015

"Người ngoài" còn chuộng, sao mình "ngó lơ"?

Trong khi các “ông lớn” của ngành thời trang thế giới đang tìm đến dệt may của Việt Nam để đặt hàng thì người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để mua những sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài.
"Người ngoài" còn chuộng, sao mình "ngó lơ"?
Ảnh minh họa

Đây cũng chính là trăn trở của các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam trước làn sóng hội nhập khi phải làm thế nào để vừa giữ vững thị trường nội địa mà vẫn đảm bảo xuất khẩu. 

Chia sẻ về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10

 

Quan điểm của bà về việc hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?

 

Bà Nguyễn Thanh Huyền: Chúng tôi đã nhận thức được vấn đề này từ rất lâu, không phải khi Bộ Công Thương phát động chúng tôi mới thực hiện. Từ lâu May 10 đã ưu tiên sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu của các DN Việt Nam sản xuất, kể cả khi mua bên ngoài giá của họ 8 đồng còn của các công ty Việt Nam là 10 đồng thì chúng tôi vẫn chọn mua nguyên liệu của DN Việt.

 

Tư duy “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” là tư duy sống còn của nền kinh tế. Nếu các DN không dìu nhau lên thì sẽ đến ngày chúng ta phải làm thuê cho các công ty nước ngoài ngay trên mảnh đất của chúng ta.

 

Bà vừa nói đến việc các DN Việt Nam phải “dìu nhau lên”. Vậy May 10 đã làm được những gì?

 

Bà Nguyễn Thanh Huyền: Từ khi Bộ Công Thương phát động phong trào mạnh mẽ thì May 10 đã có xác định sản phẩm nào DN trong nước làm, mới hình thành thì mình phải ủng hộ, ủng hộ từ khi họ chưa có thị trường, còn đang khó khăn.

 

Ví dụ với sản phẩm ô của Công ty Đại Việt. Mặc dù ô chúng tôi đặt ở Trung Quốc rẻ hơn nhưng khi chúng tôi đặt hàng với điều kiện yêu cầu Đại Việt như thế nào thì làm đúng mẫu như thế. Khi chúng tôi đưa ra mẫu ô của nước ngoài với giá bán trên thị trường là 120USD và yêu cầu Đại Việt làm đúng như thế thì sau 2 năm chất lượng ô đã tăng lên đáng kể.

 

Hiện mẫu đồng phục mới của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng hoàn toàn “Made in Vietnam”. Cụ thể, Công ty may Việt Tiến cung cấp áo dài, Công ty may Đức Giang may áo sơ mi, May 10 cung cấp áo gile, áo vest nam cho đội ngũ tiếp viên của Vietnam Airlines. Mặc dù Vietnam Airlines đưa ra bài toán rất khó, thời gian gấp, chất lượng cao, giá cả phải cạnh tranh mà không chỉ may cho phi công Việt Nam mà còn cả phi công nước ngoài. Đây cũng là một điển hình cho việc “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Bà có cho rằng tư tưởng chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam đang là rào cản cho chính những sản phẩm của DN Việt?

 

Bà Nguyễn Thanh Huyền: Thực tế, trong khi người tiêu dùng Việt chuộng hàng ngoại thì các “ông lớn” của thời trang thế giới đang đặt hàng tại chính đất nước Việt Nam. Chiếc caravat mà Hãng Hugo Boss (Đức) đang bán với giá 200-250USD hiện được sản xuất tại Công ty TNHH Dệt may cà vạt DK Sài Gòn.

 

Sắp tới, ngày 30/9, đại diện của Hugo Boss sẽ đến làm việc và đặt hàng với May 10, cũng trong tháng 10 thì ông chủ của Công ty Louis Vuitton (Pháp) cũng đã đặt vấn đề làm việc với chúng tôi.

 

Chúng ta phải đặt câu hỏi rằng tại sao các DN lớn như vậy còn đặt hàng của Việt Nam trong khi người tiêu dùng Việt lại không thật sự tin tưởng DN Việt? Vì thế, người Việt Nam cần thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam.

 

Mặt khác, chúng ta đang có nhiều DN làm tốt nhưng việc quảng bá hoạt động thì kém nên chưa được người tiêu dùng lựa chọn. Ngược lại, cũng có những DN làm không tốt nhưng quảng cáo “trên mây” thì sẽ làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Vì thế, bản thân các DN phải nói thế nào thì làm đúng như thế, tránh làm tổn thương đến người tiêu dùng.

 

Hiện nay dệt may đang là mũi nhọn trong xuất khẩu, nhất là khi chúng ta sắp gia nhập một loạt các Hiệp định thương mại, vậy thị trường trong nước liệu có bị bỏ ngỏ không, thưa bà?

 

Bà Nguyễn Thanh Huyền: Tôi khẳng định thị trường nội địa là quan tâm số 1 của May 10 và lúc nào chúng tôi cũng dành những thứ tốt nhất cho người tiêu dùng Việt Nam từ chất lượng, giá cả đến dịch vụ.

 

Tuy nhiên, đây là bài toán không dễ giải bởi người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp nhiều lần một chiếc áo sơ mi May 10 chỉ để mua một chiếc áo sơ mi thương hiệu nổi tiếng. Thực chất, khi mặc sản phẩm đó thì sự khác biệt không nhiều bằng số tiền đã bỏ tiền ra, số tiền đấy có thể gấp 10-20 lần mà chỉ để mua thương hiệu gắn trên sản phẩm đó.

 

Về phía May 10, 10 năm qua chúng tôi đã ý thức được câu chuyện này. Nếu chúng ta không dùng hàng của chính chúng ta thì cứ hình dung ra một ngày nào đó, trên tất cả đường phố đều là hàng ngoại nhập, giá cả có cao tới mấy thì người tiêu dùng cũng phải bỏ tiền ra mua, đây là kịch bản xấu nhất với nền kinh tế. Muốn điều đó không xảy ra thì chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ. Thế nhưng, người tiêu dùng Việt phải là người tiêu dùng thông minh để ủng hộ một cách nghiêm túc chứ không phải ủng hộ theo cách “Không thích vẫn mua”.

 

Xin cảm ơn bà!

 

Nguồn: chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang