Hơn một năm nay, chị Huỳnh Thị Út, ngụ phường Trung Mỹ Tây, quận 12 chở một xe gắn máy đầy rau củ quả gom từ vườn nhà mang đến vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 bày bán. Chị Út giới thiệu, rau cải, mướp đắng, dưa leo, cà chua do nông dân ở quận 12 trồng không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu, an toàn cho người sử dụng. Mỗi ngày bán được khoảng 100kg rau củ quả các loại, tiền lãi khoảng 200.000-250.000 đồng. Các loại nông sản sạch này tuy giá cao hơn 30-40% so với hàng thường nhưng vẫn có nhiều người mua.
Bà Huỳnh Thị Năm, tiểu thương chuyên bán các loại nông phẩm nhà làm như rau củ quả, cá đồng, trứng gà tại chợ Tân Phú 1 (quận Tân Phú) được nhiều người đi chợ biết vì hàng tự làm mang từ miền Tây lên bán. Các loại rau cải, mướp đắng, cam, quýt, trứng gà của bà Năm nhìn vẻ ngoài trông xù xì nhưng vẫn nhiều khách mua. Bà Năm kể, lúc đầu chỉ dăm người mua bây giờ thì nhiều không đếm được và nhu cầu về các loại thực phẩm sạch này ngày càng tăng.
Thực phẩm nhà làm ở Sài Gòn có hai dạng, một số người chọn mua ở những vùng nguyên liệu sản xuất theo hình thức vô cơ (không dùng phân hóa học, chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu), gà vịt tự nuôi, cá tự đánh bắt và tự canh tác được mang lên bán cho người quen.
Anh Hải, công tác tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ban đầu đưa một số nông phẩm như rau, trái cây, gạo, cá đồng từ Bến Tre bán cho một số người quen trong cơ quan. Sau khi nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người Sài Gòn quá lớn, anh lập hẳn một trang web chuyên cung cấp “thực phẩm nhà quê” và được đông đảo đồng nghiệp hưởng ứng. Tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh hiện đang có “phong trào” trao đổi thực phẩm sạch cho nhau. Người thì cung cấp cá, thịt, trứng gia cầm, người đổi lại rau, bí, mướp do người dưới quê gửi lên ăn không hết đem đổi lấy thực phẩm khác dùng hoặc có vườn ở ngoại ô tự trồng đem bán.
Chị Tâm, ngụ ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) tận dụng 20m2 đất quanh nhà trồng các loại rau thơm, đu đủ và tham gia vào chuỗi trao đổi thực phẩm với các đồng nghiệp ở cơ quan và mang về bếp những loại thực phẩm mình không nuôi trồng được. “Thực phẩm ở chợ, siêu thị ê hề nhưng mình không dám chắc về nguồn gốc, chất lượng nên chọn những thứ biết là sạch để dùng cho yên tâm” - chị Tâm chia sẻ.
Chị Huỳnh Thị Út bán nông phẩm sạch trên đường Cách Mạng Tháng Tám quận 3
TP. Hồ Chí Minh hiện có 2.886ha trồng rau muống, sản lượng đạt 59.126 tấn, do 1.100 hộ sản xuất. Rau muống nhiều nhưng thiếu an toàn vệ sinh vì chưa thực hiện sản xuất theo quy trình sạch. Chính vì điều này, rau muống hữu cơ như của ông Trịnh Hoạt, ngụ tại quận Bình Tân giá bán gần gấp ba giá rau thường nhưng 300kg rau hái mỗi ngày vẫn không đủ bán. Ông Hoạt cho biết, để trồng được rau muống sạch, ngoài không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, đất trồng, nước tưới cũng phải sạch và nhà vườn phải cam kết với người mua thực phẩm an toàn.
Trước như cầu sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao, Saigon Coop đã hợp tác với nông dân miền Tây Nam bộ canh tác 30ha gạo hữu cơ và sắp tới là 100ha. Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc Sàigon Coop cho biết, Sàigon Coop không đứng ra trồng tỉa mà đặt hàng người nông dân sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ, sản phẩm này đảm bảo sạch từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Theo ông Đức, hợp tác với nhà sản xuất để tạo ra nông phẩm sạch là chiến lược kinh doanh trong tương lai của Saigon Coop, bước đầu là mặt hàng gạo sau đó là các loại rau củ quả, thực phẩm tươi sống.
Nguồn Báo Công Thương điện tử