Thứ Bẩy, 23/11/2024 04:00:12 GMT+7
Lượt xem: 2421

Tin đăng lúc 28-08-2016

Người Sài Gòn hào hứng với phiên chợ sạch

Trước thực trạng thực phẩm đang ngày càng bị nhiễm bẩn gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhóm bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã nghĩ ra ý tưởng tạo một phiên chợ trao đổi các loại thực phẩm sạch để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Phiên chợ có tên “Lương nông”.
Người Sài Gòn hào hứng với phiên chợ sạch
Người tiêu dùng vui vẻ mua hàng tại phiên chợ “Lương nông”.

Độc đáo chợ “Lương nông”

 

Diễn  ra vào thứ sáu hàng tuần, tại địa chỉ 149 Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM phiên chợ “Lương nông” của các bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã và đang là điểm đến ưa thích của nhiều người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Với tiêu chí "vì mình, vì mọi người, chúng tôi kết nối", phiên chợ “Lương nông” tạo niềm tin cho người tiêu dùng giữa cơn bão thực phẩm bẩn đang bủa vây từng gia đình. Rất nhiều người từ già đến trẻ, từ đàn ông đến phụ nữ đều cảm thấy yên tâm khi lựa chọn thực phẩm sạch tại đây.

 

Không gian phiên chợ chỉ vỏn vẹn có 8 - 10 gian hàng, chủ yếu là mặt hàng hữu cơ khá khiêm tốn về số lượng như vài chục ký gạo lức, mấy bó rau được gói trong lá chuối, ít trái cây vườn quen thuộc đặt trong rổ tre phủ đầy rơm, vài bịch cá sông được ướp lạnh... Tất cả đều được niêm yết giá cụ thể. Điều đặc biệt hơn nữa là những loại thực phẩm tại phiên chợ đều có vẻ ngoài thô mộc, không bắt mắt do được chăm sóc theo cách tự nhiên, không bị can thiệp hóa chất trong quá trình sinh trưởng, ngay cả khi gặp sự cố về sâu bệnh và thời tiết. Ngoài ra, chợ bán các mặt hàng nông sản luôn thuận theo tự nhiên "mùa nào thức ấy" chứ không phải nhập tràn lan về bán.

 

Đúng 10 giờ 30, phiên chợ mới diễn ra, tuy nhiên ngay từ sáng sớm nhiều người dân trong đó có người nội chợ, nhân viên văn phòng… đã xếp hàng đứng chờ để được mua nông sản sạch. Cô Lê Thị Lan, khách hàng ở quận 3 cho biết, tuần nào phiên chợ "Lương nông" họp là cô lại ghé đến lựa chọn thực phẩm về bỏ vào tủ lạnh ăn dần. Theo cô Lan, thực phẩm ở đây tuy không đẹp mắt, nhưng sạch, chất lượng, không hóa chất nên rất an tâm. Người bán hàng là những bạn trẻ cũng nhiệt tình nữa nên tôi luôn ghé đến mỗi tuần khi phiên chợ họp. Giá cả ở đây tuy có cao nhưng so với giá ở các chợ thì không chênh lệch nhiều.

 

Chị Nguyễn Thị Sáu, một nhân viên môi giới bất động sản cũng tâm sự, tôi làm ở quận 5 nhưng đến thứ sáu lại tranh thủ chạy qua đây mua. Mua thực phẩm ở đây an tâm lắm, khác hẳn những thứ mua ngoài chợ. Mặc dù bề ngoài rau củ hơi xấu xí nhưng chất lượng rất đảm bảo, giá cả cũng hợp lý. Các bạn trẻ bán hàng lại rất chu đáo chỉ dẫn nguồn gốc xuất sứ của từng sản phẩm nên người mua rất yến tâm.

 

Anh Đoàn Minh Trường, quản lý phiên chợ "Lương nông" cho biết, trước nhiều nguồn thông tin về thực phẩm bẩn đang tràn lan, các bạn trẻ tham gia "Hợp tác xã Lương nông" đã nhận thức phải tìm nguồn thực phẩm sạch cho bản thân và gia đình. Phiên chợ ra đời với mục đích đưa thực phẩm sạch đến mâm cơm của từng gia đình. Thời gian đầu vẫn còn nhiều người e ngại về độ tin cậy của lượng thực phẩm được cho là sạch tại đây, anh Trường cũng thừa nhận thực phẩm ở đây chưa có giấy chứng nhận an toàn của cơ quan kiểm định mà thực phẩm chủ yếu do các bạn trẻ lấy từ vườn nhà hoặc do chính những bạn trẻ thực hiện canh tác nông sản theo hình thức hữu cơ và đưa sản phẩm tự nhiên đến với mọi người.

 

Vì phiên chợ bán với số lượng nhỏ nên rất khó để xin giấy phép đạt tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên,nếu có vấn đề về sức khỏe đối với người tiêu dùng thì người bán trong phiên chợ đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Ban tổ chức phiên chợ sẵn sàng cung cấp địa chỉ của người bán để khách hang khiếu nại.

 

Phiên chợ của những nông dân trẻ vì cộng đồng

 

Được biết, cô Nghiêm Thị Thảo (60 tuổi) là người kết nối các bạn trẻ để thành lập chợ phiên đặc biệt này, nhưng toàn bộ các công việc tổ chức phiên chợ đều do các bạn tự xoay xở, điều hành. Cô Thảo chia sẻ, Phiên chợ "Lương nông" chỉ toàn nông dân 8X, 9X, các bạn ấy có sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tâm huyết với thực phẩm sạch, quan tâm đến bản thân và sức khỏe cộng đồng nên việc kết nối các bạn với nhau là điều cần thiết. Những bạn trẻ đã nhận thức phải tìm nguồn thực phẩm sạch cho bản thân và gia đình. Qua đây các bạn nông dân trẻ cũng muốn kêu gọi những bạn có nông sản tự trồng mang đến phiên chợ để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm nông.

 

 

Người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn thực phẩm mà mình ưa chuộng.

 

Bạn Trần Thị Tuyết Trinh (SN 1989), cựu sinh viên ngành Công nghệ Sinh học phụ trách tại gian hàng trái cây trong phiên chợ chia sẻ, mình thu mua trái cây với chất lượng 100% ở những khu vườn bỏ hoang của bà con nông dân. Mình nghĩ đây là cách để giúp những người nông dân có thêm thu nhập từ những khu vườn tưởng chừng như vô giá trị.

 

Bạn Võ Văn Tiếng, quê Đồng Tháp, phụ trách gian hàng gạo của phiên chợ cũng tâm sự, sản phẩm bạn mang đến chợ là sản phẩm từ mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi cá, vịt. Tiếng kể từng là sinh viên du lịch nên được đi nhiều nơi. Trong những chuyến đi đến các tỉnh miền núi phía Bắc, Tiếng tình cờ phát hiện đồng bào ở các bản làng trồng lúa rất đơn giản. Họ chỉ gieo xuống và cây lúa phát triển tự nhiên mà không hề dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Khi về lại quê nhà, Tiếng bắt đầu suy nghĩ nếu mình cũng canh tác theo hình thức đó thì sẽ thu được nguồn thực phẩm sạch cho gia đình. Từ đó, Tiếng bỏ ngành du lịch và bắt đầu trở thành người nông dân thực thụ khi mới 22 tuổi.

 

Cũng còn rất trẻ, Mai, cô gái tốt nghiệp ngành Công nghệ Sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, quê Tiền Giang, bức xúc trước thực trạng nguồn rau không đảm bảo chất lượng đang tràn lan trên thị trường. Ra trường, với những kiến thức học được trên giảng đường cộng với sự mày mò nghiên cứu, Mai quyết định về quê xin đất ba mẹ để canh tác nông sản theo hình thức hữu cơ. Mặc dù sở hữu thửa ruộng chỉ 1.000m2 nhưng hiện tại sản phẩm của Mai không chỉ bán tại phiên chợ mà còn cung cấp rau cho các đơn vị kinh doanh rau hữu cơ.

 

Những người trẻ tại phiên chợ chia sẻ rằng, để thêm tin tưởng họ cũng đã khuyến khích người tiêu dùng xuống tận nơi sản xuất để tự mình kiểm chứng quy trình. Ngoài ra, theo những nông dân 8X, 9X, trái cây, gạo sạch, rau sạch… nếu có nhu cầu, người mua sẽ được tận mắt chứng kiến và cảm nhận được hương vị và chất lượng khi những sản phẩm đó được chế biến tại chỗ. Người bán sẽ trực tiếp hướng dẫn về quy trình sản xuất, tư vấn cho người mua các phương pháp phân biệt nông sản hữu cơ với nông sản hóa học. Từ đó, tạo sự đồng cảm giữa người tiêu dùng và người sản xuất là điều phiên chợ "Lương nông" - Phiên chợ thực phẩm sạch muốn hướng đến.

 

Theo Người tiêu dùng


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang