Trăn trở với câu hỏi, tại sao Việt Nam chưa có doanh nghiệp (DN) sản xuất van vòi? Tại sao hàng năm Nhà nước phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu? Tại sao các nước họ làm được mà mình mãi vẫn chưa làm được? Ông Trương Quốc Cư đã ấp ủ trong mình niềm ước mong là phải mở cho được một nhà máy sản xuất van, vòi tại Việt Nam.
Xuất phát điểm là một viên chức nhà nước, nhưng ngay từ năm 1991, nhận thấy những thay đổi của tình hình kinh tế, ông Trương Quốc Cư đã mạnh dạn bước ra thị trường để tạo dựng cho mình một con đường kinh doanh riêng. Sau hai năm khởi nghiệp, tháng 10/1993, ông đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Hòa – Doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong nước chuyên nhập khẩu vật tư ngành nước từ nước ngoài. Trong hàng chục năm làm nhà cung cấp thiết bị, Công ty Minh Hòa đã nhập khẩu hàng vạn tấn ống thép, hàng triệu van, vòi các loại khác nhau, hàng ngàn tấn phụ kiện phục vụ đầu tư và phát triển xây dựng. Cũng chính trong thời gian hợp tác với các nhà cung cấp nước ngoài, Giám đốc Trương Quốc Cư đã nhận thấy được tiềm năng về sản xuất các loại sản phẩm van, vòi và phụ kiện phục vụ ngành cấp thoát nước tại Việt Nam.
Với khát vọng “Người Việt phải chế tạo được chiếc vòi nước cho chính những ngôi nhà Việt”, ông đã lựa chọn một con đường mới với nhiều chông gai hơn, đó là tự đặt mình vào vị trí của người đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất vòi nước tại Việt Nam. Tháng 7/2005, doanh nhân Trương Quốc Cư khởi công nhà máy sản xuất van, vòi đầu tiên tại KCN Nam Thăng Long (Từ Liêm, Hà Nội) trên diện tích gần 11.000 m2. Ông đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống nhà xưởng, dây chuyền với công nghệ hiện đại, đảm bảo những sản phẩm đầu tiên khi ra đời phải có chất lượng tốt nhất, sánh ngang với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Ông không cho phép DN của mình làm ra những sản phẩm lỗi, bởi theo ông, ấn tượng đầu tiên của người tiêu dùng sẽ quyết định đến yếu tố thành bại của Công ty, nhất là khi họ đã quen với hàng ngoại nhập.
Trong quá trình hoạt đông, sự khốc liệt của thị trường đã mang đến cho ông không ít những thách thức. Trong đó, việc bảo vệ thương hiệu trong thời kỳ hội nhập là thách thức lớn của Minh Hòa. Tình trạng hàng giả, hàng nhái tuy được các lực lượng chức năng quyết liệt ngăn chặn, song do yếu tố lợi nhuận nên nó vẫn âm ỷ tồn tại. Một số sản phẩm van, vòi từ Trung Quốc lấy tên tuổi các thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Thái Lan, Tây Ban Nha,.. đã đi vào thị trường nội địa nước ta với giá thành rất rẻ. Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng trong nước lại chưa thực sự thấu đáo, vì ham rẻ mà nhiều người đã nhắm mắt lựa chọn.
Giám đốc Công ty CP Đầu tư Trương Quốc Cư đón nhận Bằng Chứng nhận: “Nhãn hiệu nổi tiếng – Nhãn hiệu cạnh tranh Việt Nam 2017” cho sản phẩm “Van vòi Việt cho ngôi nhà Việt”
Trong cuộc chiến giành lấy lại sự công bằng trên thị trường, doanh nhân Trương Quốc Cư đã xác định rõ, ngoài việc cùng các cơ quan chức năng kiểm soát chống lại hàng giả, hàng nhái thì việc DN nâng cao chất lượng sản phẩm chính là yếu tố hàng đầu để giữ lấy thị phần và dành được niềm tin của người tiêu dùng. Để giữ gìn thương hiệu mà Công ty đã dày công xây dựng, ông quyết định lựa chọn công nghệ tạo phôi sản phẩm bằng phương pháp dập nóng và đây là một trong những công nghệ tiên tiến nhất của Châu Âu đang được áp dụng trong ngành sản xuất van, vòi hiện nay. Đồng thời, nguồn nguyên liệu đồng trong sản xuất được Công ty lựa chọn 100% từ trong nước và được kiểm tra rất nghiêm ngặt. Ngay từ khâu đầu vào, nguyên liệu được phân tích bằng máy quang phổ để xác định thành phần cấu tạo cho phù hợp với tiêu chuẩn của Vương Quốc Anh mà Công ty đang áp dụng.
Đi đôi với việc nâng cao chất lượng của sản phẩm, doanh nhân Trương Quốc Cư đã luôn quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề. Ông chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu hoạt động SXKD trong nước và xuất khẩu, do vậy, Công ty Minh Hòa đã cử nhiều kỹ sư và công nhân đi đào tạo chuyên ngành tại Thái Lan, Đài Loan và một số nước Châu Âu,… để học thêm những kinh nghiệm và nghiên cứu các trang thiết bị hiện đại để ứng dụng vào thực tế sản xuất. Mặt khác, Công ty cũng khuyến khích CBCNV đẩy mạnh phát huy sáng kiến cải tiến trong sản xuất, qua đó góp phần nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra sự gắn kết giữa người lao động và Công ty.
Xưởng sản xuất của Công ty CP Đầu tư Minh Hòa
Sau hơn hai mươi năm hoạt động trong ngành phân phối và sản xuất van, vòi, chính từ sự nỗ lực của người đứng đầu và tập thể CBCNV-LĐ Công ty, các sản phẩm của Minh Hòa đã dần chiếm được thị trường trong nước. Hiện nay, công suất hoạt động của nhà máy đạt trên 6 triệu sản phẩm van, vòi/năm, cùng với trên 10 triệu sản phẩm linh kiện khác. Nổi bật nhất là từ năm 2014 tới nay, Minh Hòa đã ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng hóa lớn cho DN nước ngoài như: Cung cấp van, vòi cho đối tác Fujikin; máy móc linh kiện cho Sanko… Đặc biệt, sản phẩm van, vòi của Công ty được sản xuất theo công nghệ Châu Âu và chất lượng của sản phẩm được quản lý chặt chẽ theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008. Đồng thời, sản phẩm của Minh Hòa đa dạng về kiểu cách, mẫu mã, kích thước, chủng loại và được công nhận có chất lượng sánh ngang với hàng ngoại nhập như các nhãn hiệu HIHA; MBV; DALING; TURA; TUBO… trong đó, có 09 mặt hàng được Bộ Công Thương đưa vào các danh mục máy móc, vật tư, nguyên liệu sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu, đây được coi là sự khẳng định lớn nhất, có giá trị và ý nghĩa nhất đối với chất lượng sản phẩm của Minh Hòa. Ngoài thị trường trong nước, Công ty Minh Hòa còn cung cấp van, vòi và các chi tiết sản phẩm bằng đồng cho các khách hàng của Mỹ, Pháp, Nhật, Myanma, Cu-ba, Trung Đông, Lào…
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, để tồn tại, các DN phải lựa chọn hướng đi phù hợp, nhằm phát huy tối đa các thế mạnh và trong dòng chảy đó, Công ty Minh Hòa cũng phải tự phát huy nội lực để trụ vững, phát triển. Đó là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội đối với mỗi DN, doanh nhân trong nền kinh tế hội nhập.
Anh Tuấn