Nhập nhằng hàng thật, hàng giả
Theo Luật chất lượng hàng hoá ban hành ngày 21/21/2007, doanh nghiệp sản xuất hàng hoá tự công bố chất lượng, thông tin cảnh báo, số hiệu trên bao bì sản phẩm, chỉ cần thông báo chỉ tiêu và chịu trách nhiệm về việc công bố với cơ quan quản lý. Lợi dụng điều này nên nhiều cơ sở, doanh nghiệp chế biến nước giải khát đã tuỳ tiện quảng cáo sản phẩm của mình, nào là chất lượng “hảo hạng”, tiêu chuẩn Mỹ, Châu Âu, Nhật…, nhưng thực tế chất lượng cũng như an toàn vệ sinh của những mặt hàng này không ai quản lý.
Có thể thấy, trên thị trường đồ uống hiện nay, có hàng trăm loại nước giải khát bao gồm cả hàng nội và hàng ngoại nhập được bày bán khắp nơi. Bên cạnh những sản phẩm của những hãng nổi tiếng như: Coca – cola, Pepsi, Tân Hiệp Phát, Habeco… thì còn có hàng trăm nhà sản xuất khác và mỗi nhà sản xuất lại có hàng chục nhãn hàng khác nhau. Sự phong phú này cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng cùng với đó, những sự cố về chất lượng của các loại nước giải khát này cũng ngày càng nhiều. Đặc biệt là tình trạng nhiều loại nước ngọt bị làm giả, làm nhái và bày bán công khai trên thị trường, gây hoang mang cho người sử dụng.
Hình dáng, mẫu mã của những sản phẩm nhái được các cơ sở sản xuất bất chính làm rất giống với sản phẩm của các hãng nổi tiếng nhưng giá cả lại thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm chính hãng và chất lượng thì không ai dám đảm bảo. Nếu người sử dụng chỉ dựa vào mẫu mã để phân biệt hàng thật, hàng giả thì rất khó, bởi ngày nay, công nghệ làm giả tem nhãn mác đã đạt tới độ siêu đẳng. Còn dựa vào chất lượng, hương vị thì không phải ai cũng đủ tinh để nhận ra, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vì nước ngọt rởm cũng ngọt, có ga và ngon, mát lạnh khi cho đá vào.
Tác hại của việc sử dụng nước giải khát giả
Do chế biến hoàn toàn bằng hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc, không qua nghiên cứu và kiểm định chất lượng, nên uống phải các loại nước ngọt này sẽ rất có hại. Khi sử dụng thường xuyên, các loại hóa chất đó sẽ tích tụ lại, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng như: thận, gan, hệ tiêu hóa… của người sử dụng, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Vậy người tiêu dùng phải làm gì để tự bảo vệ mình?
Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc phòng chống nạn hàng giả hàng nhái, vì sức khỏe của bản thân và gia đình, người tiêu dùng cũng cần chú ý những điều sau đây khi lựa chọn sản phẩm cho gia đình, tránh mua phải những mặt hàng nước giải khát giả, nhái và kém chất lượng:
- Trên sản phẩm phải có thông tin về nhãn hàng hoá công bố tiêu chuẩn chất lượng, chỉ tiêu chất lượng về khoáng, hàm lượng dinh dưỡng, vitamin;
- Thông tin về chỉ tiêu an toàn vệ sinh không được thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố;
- Thông tin xuất xứ nhãn hàng;
- Trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải có tên cơ quan y tế có chức năng cấp giấy phép để sản phẩm đảm bảo tính pháp lý khi lưu thông, lưu hành trên thị trường...
- Mua hàng ở những nơi có uy tín để được đảm bảo về nguồn gốc sản phẩm, không nên ham rẻ mà mua phải những sản phẩm kém chất lượng.
- Báo với cơ quan chức năng khi phát hiện ra hàng giả, hàng nhái.
Việc trở thành người tiêu dùng thông minh, nói không với hàng giả, hàng nhái không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của mình mà còn góp phần đẩy lùi nạn hàng giả hàng nhái, bảo vệ những nhà sản xuất chân chính, trả lại sự trong lành cho thị trường nước giải khát Việt Nam./.
Quỳnh Anh