Cũng từ cuộc vận động này, các hoạt động đã được tổ chức rộng khắp trên các lĩnh vực. Đến nay, các mặt hàng do các DN sản xuất trong nước ngày càng được đánh giá cao về chất lượng. Nhà sản xuất cũng đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trước người tiêu dùng. Hàng hóa sản xuất ra đã có chất lượng hơn, đa dạng về mẫu mã chủng loại, giá thành phù hợp túi tiền người tiêu dùng.
Có thể nói cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai trong 10 năm, đã từng bước nâng cao chất lượng và thu được những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2009-2014, cuộc vận động cơ bản là tập trung tuyên truyển, vận động, xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách và hỗ trợ DN hoạt động. Tới giai đoạn 2014-2019, sau khi tổng kết 5 năm giai đoạn đầu, giai đoạn 2 đã được nâng cấp làm sao cho hàng hóa trong nước không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong nước, cung ứng đủ hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng, mà còn hướng tới xuất khẩu. Và theo nhiều chuyên gia thì tới đây là giai đoạn 3 thực hiện cuộc vận động, mục tiêu đặt ra chắc chắn sẽ cao hơn.
Chị Nguyễn Thị Hằng, ở phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Hiện nay, hàng Việt luôn là ưu tiên mua sắm số 1 của gia đình. Lượng hàng hóa nhiều, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, nên chúng tôi dễ dàng chọn lựa. Thông qua các phiên chợ, gia đình có nhiều kinh nghiệm để phân biệt đâu là hàng nhái và đâu là hàng Việt chính hãng…”.
Về phía DN, hiệu quả từ cuộc vận động này cũng giúp cho các DN trong nước tự tin hơn để phục vụ hiệu quả thị trường trong nước. Theo bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm thì: Cuộc vận động đã giúp Tập đoàn Hồ Gươm điều chỉnh chiến lược kinh doanh từ chỉ chú trọng vào xuất khẩu sang tập trung coi thị trường nội địa là một hướng đi trọng tâm. Doanh thu từ thị trường trong nước của Tập đoàn đã ngày càng một tăng, sản phẩm may mặc của Tập đoàn đã khẳng định được thương hiệu ở trong nước. Cũng theo bà Ty thì: Nhiều sản phẩm hàng hóa DN Việt Nam sản xuất đã có chỗ đứng tốt ở thị trường nội địa, được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu đến các thị trường khó tính trên thế giới. Cuộc vận động trong thời gian tới không nên chỉ dừng lại ở việc “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mà khẩu hiệu cho cuộc vận động trong giai đoạn tới, cần ở tầm cao hơn, hướng tới “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng”.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý, theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì tỷ lệ hàng Việt Nam tại siêu thị hiện chiếm trên 90% và con số này không thể đạt được nếu hàng Việt Nam không chinh phục tốt người tiêu dùng và được người tiêu dùng chọn lựa. “Giai đoạn tới, DN phải chủ động sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, chinh phục lòng tin của người tiêu dùng. Nhà nước sẽ quan tâm, ưu tiên hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh chống hàng nhái, hàng giả, xây dựng cơ chế thuận lợi cho DN hoạt động chứ không làm thay hoặc mãi vận động người tiêu dùng ưu tiên. Cốt lõi của CVĐ trong giai đoạn tới chính là DN và sản phẩm chất lượng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Có thể khẳng định cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có ý nghĩa sâu sắc, tầm quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước. Vì vậy, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, cơ quan, đơn vị, DN, gia đình, mỗi người dân với tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc, ý thức, trách nhiệm với những việc làm, hành động thiết thực tham gia hưởng ứng thực hiện cuộc vận động góp phần đem lại lợi ích cho quốc gia, cho cộng đồng DN và cả người tiêu dùng về trước mắt cũng như lâu dài.
Theo Pháp luật xã hội