Thứ Ba, 01/07/2025 09:40:16 GMT+7
Lượt xem: 138

Tin đăng lúc 27-06-2025

Nguồn lực khuyến công là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy công nghiệp nông thôn tại Sơn La phát triển

Sơn La - vùng đất Tây Bắc hùng vĩ, không chỉ nổi tiếng với những đồi chè xanh mướt hay vườn cây ăn trái trĩu quả mà còn đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành công nghiệp nông thôn (CNNT). Với lợi thế về tài nguyên nông sản phong phú và bản sắc văn hóa độc đáo, Sơn La đang nỗ lực biến tiềm năng thành những sản phẩm công nghiệp (CN) mang giá trị cao, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công đã và đang đóng vai trò then chốt, như một đòn bẩy vững chắc cho CNNT Sơn La cất cánh.
Nguồn lực khuyến công là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy công nghiệp nông thôn tại Sơn La phát triển
Nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ cơ sở CNNT mua sắm thiết bị, đưa vào vận hành sử dụng, góp phần làm tăng giá trị sản xuất của HTX
Từ năm 2014 đến nay, Sơn La đã hỗ trợ 29 cơ sở CNNT trang bị máy móc, thiết bị sản xuất, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 4,2 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2020-2023, tỉnh đã hỗ trợ 20,5 tỷ đồng cho 336 lượt tổ chức, doanh nghiệp (DN) phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường; hỗ trợ 1,4 tỷ đồng cho 5 HTX đầu tư hạ tầng... giúp các DN, hợp tác xã (HTX) từng bước nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
 
Những năm qua, nguồn kinh phí khuyến công đã được sử dụng hiệu quả trong các lĩnh vực như hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, trong đó, nhiều cơ sở sản xuất, HTX ở Sơn La đã được tiếp cận nguồn vốn khuyến công để mua sắm máy móc hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, kinh phí khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trong việc thiết kế bao bì, nhãn mác, đăngCký sở hữu trí tuệ, và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm. Điều này giúp sản phẩm của Sơn La dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh.
 
Các khóa đào tạo về kỹ năng quản lý sản xuất, tiếp thị, vệ sinh an toàn thực phẩm, và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh đã được tổ chức nhờ nguồn kinh phí khuyến công. Điều này góp phần nâng cao trình độ của lực lượng lao động nông thôn, tạo ra sản phẩm chất lượng hơn. Ngoài ra, chương trình khuyến công đặc biệt chú trọng hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông thôn xây dựng hồ sơ, quy trình để đạt chuẩn OCOP, từ đó giúp sản phẩm có chứng nhận, dễ dàng thâm nhập các thị trường lớn.
 
Nhờ có kinh phí khuyến công, nhiều ý tưởng sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp tại Sơn La đã được hiện thực hóa, từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nguồn vốn này không chỉ là sự hỗ trợ về tài chính mà còn là động lực để các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư, đổi mới, và phát triển bền vững.
 
Năm 2024, sản phẩm nấm linh chi của Công ty TNHH Mạnh Thắng, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và sản phẩm OCOP 4 sao. Ông Đào Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty, cho biết: Thành lập năm 2018, Công ty đã xây dựng quy trình sản xuất khép kín nhờ nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ, Công ty đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, như tủ sấy nhiệt, máy thái lát, hầm hấp... với công suất 30 tấn/năm. Trên diện tích nhà xưởng 8.000 m², Công ty sản xuất nhiều dòng sản phẩm như nấm linh chi khô thái lát, nguyên chiếc, cao nấm, rượu bào tử nấm... cung ứng khoảng 10 tấn sản phẩm mỗi năm ra thị trường.
 
Năm 2025, tỉnh Sơn La tiếp tục tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu trong quý III và IV. Các DN, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và địa phương gửi danh sách đăng ký về Sở Công Thương trước ngày 30/7.
 
Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2025 được phân loại thành bốn nhóm chính: Thủ công mỹ nghệ, chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, thiết bị, máy móc, dụng cụ, phụ tùng cơ khí và các sản phẩm khác. Việc đánh giá và bình chọn sản phẩm sẽ dựa trên các tiêu chí cốt lõi như khả năng đáp ứng thị trường và tiềm năng phát triển sản xuất, hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, tính văn hóa và thẩm mỹ của sản phẩm. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn cân nhắc các yếu tố bổ sung như chứng nhận chất lượng, giải thưởng hoặc khen thưởng khác mà sản phẩm đã đạt được, cũng như việc cơ sở thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và các hoạt động công ích xã hội.
 
Sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công và nỗ lực không ngừng của người dân, CNNT Sơn La đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ. Trong thời gian tới, Sơn La tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích các DN đầu tư vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để các sản phẩm CNNT Sơn La tiếp tục chinh phục những thị trường khó tính, khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế cả nước và vươn ra thế giới.
 
Khôi Nguyên

Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang