Mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội cùng đại diện các sở, ban, ngành của thành phố đã có cuộc gặp gỡ với 100 thành viên Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Mạng lưới quy tụ các chuyên gia công nghệ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Việt Nam đang học tập, làm việc tại nước ngoài, với mục đích cùng nhau liên kết, trao đổi, hướng tới xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Gặp gỡ các chuyên gia, lãnh đạo TP Hà Nội đã chia sẻ những thành tựu mà Thủ đô đạt được trong thời gian qua, đồng thời cũng nhấn mạnh những thách thức, khó khăn mà một đô thị hơn 10 triệu người dân đang phải đối mặt. "Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Tỷ lệ di dân cơ học lớn, tình trạng ô nhiễm môi trường, quá tải về cơ sở hạ tầng đang ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đời sống người dân và các mục tiêu phát triển của thành phố. Hà Nội đã xác định ba khâu đột phá để phát triển trong thời gian tới là xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho người dân từ vấn đề nước sạch, môi trường cho tới giáo dục, y tế..." - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung nhấn mạnh.
Ðể triển khai việc quy hoạch, điều hành và quản lý thành phố một cách bài bản, Hà Nội đang nỗ lực xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hướng tới xây dựng thành phố thông minh và chính phủ điện tử. GS, TS Nguyễn Xuân Thính (giảng viên Ðại học Kỹ thuật Ðóc-mun, Ðức) chia sẻ: Nước Ðức rất chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu, từ cơ sở dữ liệu không gian cho tới các dữ liệu về môi trường, đất đai... và cập nhật dữ liệu này thường xuyên, chia sẻ với nhau để các sở, ban, ngành liên quan làm căn cứ xây dựng quy hoạch, đưa ra các kế hoạch phát triển. Vấn đề này ở Hà Nội còn đang khó khăn do hệ thống công nghệ thông tin còn kém, hạ tầng chưa đồng bộ và nhất là nhiều đơn vị không muốn chia sẻ thông tin vì nhiều nguyên nhân. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng, dữ liệu số bày tỏ sự ủng hộ những nỗ lực của Hà Nội trong việc xây dựng thành phố thông minh và sẵn sàng hợp tác trong từng phần việc cụ thể. Chuyên gia Duy Ngọc Thái (hiện đang làm việc cho Tập đoàn Google tại Mỹ) cho rằng, thành phố nên tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, vì dù có phát triển môi trường mạng, thì vẫn có nhiều thủ tục doanh nghiệp, người dân vẫn phải trực tiếp giao dịch với cơ quan công quyền. Ngoài ra, những gì tư nhân có thể làm thì chính quyền nên giao cho tư nhân làm, chính quyền đầu tư và giám sát thì sẽ hiệu quả hơn.
Trong các lĩnh vực của đời sống, các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cũng chia sẻ nhiều ý kiến bổ ích. Trong lĩnh vực y tế, các chuyên gia nhận định, thành phố nên chuẩn hóa quy trình chăm sóc sức khỏe, đưa vào các phương pháp chẩn đoán sớm để kịp thời phát hiện các bệnh nguy hiểm, rồi xây dựng các phần mềm, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. PGS, TS Trần Ðăng Xuân (giảng viên Ðại học Hi-rô-si-ma, Nhật Bản) cho biết, nhóm nghiên cứu của ông đã nghiên cứu thành công phương pháp sử dụng protocol để phát hiện sớm tám loại ung thư thường gặp, nhưng giá thành của dịch vụ hiện rất cao. Nhóm mong muốn thành phố quan tâm hỗ trợ để phương pháp này đến được với đông đảo người dân. Ông Cao Anh Tuấn, nghiên cứu sinh tại Mỹ thì cho biết, ông rất ủng hộ việc Hà Nội tăng cường đưa các công nghệ, nghiên cứu của nước ngoài về ứng dụng, nhưng cần lưu ý rằng, công nghệ của nước ngoài chủ yếu nghiên cứu và phục vụ cho chủng tộc của họ với hệ thống gien khác. Do đó, cần nghiên cứu kỹ hơn để đưa ra các công nghệ dành riêng cho người Việt Nam giúp việc chữa trị đạt hiệu quả cao hơn.
Các thành viên mạng lưới còn rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, nước sạch, xử lý rác thải của Hà Nội. Theo các chuyên gia, Hà Nội cần đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường lớn hơn để thu thập đầy đủ dữ liệu, trên cơ sở đó đưa ra các cảnh báo cho người dân và có phương án giải quyết vấn đề. GS Nghiêm Ðức Long, Giám đốc Trung tâm công nghệ nước tại Ðại học Công nghệ Sydney cho rằng, việc đầu tiên là phải quản lý chặt chẽ, còn công nghệ xử lý chỉ là khâu cuối cùng. Thí dụ, việc phân loại rác là quan trọng nhất trong quy trình xử lý rác, nếu rác được phân loại thì việc xử lý sẽ đơn giản và tốn ít chi phí hơn. Ngoài ra, thành phố đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, nhưng thực tế là nước thải vẫn đang chảy khắp thành phố, trên những chiếc cống lộ thiên. Như vậy, vấn đề ô nhiễm chưa được giải quyết triệt để.
Trong vấn đề thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các thành viên của mạng lưới đều nhấn mạnh, có nhiều người hiện có việc làm với thu nhập rất cao ở nước ngoài, nhưng sẵn sàng về nước làm việc, dù trong nước không thể chi trả cho họ như vậy. Chỉ cần Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho họ nghiên cứu và ứng dụng, triển khai các nghiên cứu. Bởi họ thật sự mong muốn có thể đóng góp, tạo ra những tác động tích cực cho quê hương. Lãnh đạo TP Hà Nội đặt kỳ vọng, các chuyên gia trên khắp thế giới sẽ ủng hộ, hợp tác, kết nối, hỗ trợ thành phố trong từng chặng đường xây dựng và phát triển, vì mục tiêu chung là đóng góp cho Thủ đô, đất nước giàu đẹp hơn. |
|
Theo báo Nhân dân