Thứ Bẩy, 23/11/2024 03:57:23 GMT+7
Lượt xem: 5097

Tin đăng lúc 11-08-2017

Nguy cơ mang bệnh từ những vật dụng nhựa tái chế

Với giá thành siêu rẻ, tiện dụng và rất dễ mua, những chiếc cốc nhựa, hộp xốp đựng thức ăn đang là sự lựa chọn hàng đầu của những quán cơm, quán phở từ sang trọng tới bình dân. Người tiêu dùng thì cứ vô tư sử dụng mà không hề biết rằng chúng được làm từ nhựa rác thải trong công nghiệp, y tế và chứa đựng nhiều hóa chất độc hại. Nhiều chuyên gia và nhà khoa học cảnh báo, những chất tồn lưu trong nhựa tái chế có thể là nguyên nhân gây ra rất nhiều căn bệnh ác tính cho người tiêu dùng.
Nguy cơ mang bệnh từ những vật dụng nhựa tái chế
Sử dụng hộp xốp, hộp nhựa để đựng thực phẩm sẽ gây nguy hại đến sức khỏe người dùng

Tại các quán ăn gần khu vực các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội, một suất cơm bình dân giá chỉ từ 20.000 – 25.000 đồng. Toàn bộ cơm nóng, canh nóng, đồ ăn chiên xào,… được đựng trong hộp xốp. Với giá chỉ từ 200 – 500 đồng/hộp nên các quán ăn thường sử dụng chúng để đựng đồ ăn cho khách hàng nếu có nhu cầu đem về, hoặc giao hàng tận nơi. Theo các chủ hàng, hộp đựng thức ăn đều là hàng đảm bảo chất lượng và đồ ăn cho vào hộp không nóng tới 100 độ C nên không thể gây nguy hại cho sức khỏe người dùng.

         

Để tìm lời giải cho việc đựng thức ăn trong các hộp xốp, cốc nhựa có đảm bảo an toàn như lời các chủ hàng cơm nói hay không, nhóm phóng chiên chúng tôi đã về thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) nơi cung cấp chủ yếu các loại nhựa nguyên liệu để sản xuất ra hộp xốp, cốc nhựa… cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đi sâu vào làng, trong vai những người đi tìm mua nguyên liệu sản xuất đồ đựng thực phẩm, tại quán nước giữa làng, anh thanh niên bán nước tên Hùng nhanh nhảu: “Nếu tìm nhựa làm đồ đựng thực phẩm thì phải tìm hàng PE, nhưng nói thực, chẳng đâu có loại tinh khiết vì cả làng này làm nhựa tái chế. Giá hàng đắt thế này, làm hàng nguyên chất để mà ăn cháo à”?

         

Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, Hùng bật mí, thường thì ở đây các nhà làm nhựa tái chế đều độn đá dăm để làm nặng hàng. Còn về nguồn gốc nguyên liệu thì cứ miễn là nilon đều có thể tái chế được, bất kể trước đó nó đựng cái gì. Theo người dân trong làng, khi tái chế không cần phải trải qua công đoạn xử lý những dư lượng hóa chất hay thực phẩm bám dính vào đồ phế liệu bởi dưới tác động của nhiệt, không có gì có thể tồn tại được.

         

Biết chúng tôi muốn tìm nguyên liệu nhựa về làm đồ đựng thực phẩm, một công nhân sản xuất nhựa tái chế cùng ngồi uống nước dặn kỹ: “Các em cần xem hàng cẩn thận nhé, nếu không có nghề thì phải có chỗ quen biết vì nhiều nhà họ có bí quyết công nghệ cao lắm, rác thối, rác hỏng cho vào cán, nếu có mùi cũng sẽ được tẩy sạch bằng hóa chất khử mùi. Hóa chất này như thế nào thì không ai biết cả vì ai cũng muốn giữ bí mật nghề”.

 

         

 

Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi dùng hộp xốp đựng thức ăn nóng

 

Đem những điều mắt thấy, tai nghe đến hỏi  PGS. TS Nguyễn Văn Khôi, Viện Hóa học, ông cho biết: Chất lượng nhựa trên thị trường hiện nay không kiểm soát được. Những sản phẩm dùng để đựng thức ăn được làm bằng nhựa tái chế rất nguy hiểm. Dù chưa thể biết độ độc hại đến đâu, nhưng nếu sản phẩm từ nhựa rác thải thì người dùng có nhiều nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, chúng ta không kiểm soát được chất phụ gia cho vào để sản xuất nhựa tái chế như chất bột đá, chất hóa dẻo… Bên cạnh đó, nhựa làm từ rác thải có nhiều beoxit độc hại, nhiều tạp chất, mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe con người. Cũng theo ông Khôi, nhựa có thể tái sinh nhưng tái sinh với mục đích gì mới là điều quan trọng, nếu tái sinh từ rác để làm đồ dùng phục vụ ăn uống thì phải kiểm định gắt gao.

         

Đồng quan điểm với PGS. TS Nguyễn Văn Khôi, PGS. TS Nguyễn Hữu Hoan - Trung tâm Phân tích và Xử lý môi trường, Viện Hóa học Công nghiệp cũng khẳng định: Những loại nhựa được sản xuất từ nguyên liệu tái chế chỉ có thể dùng làm thùng đựng rác, biển báo, biển chỉ dẫn, ống thoát nước thải… Còn để làm đồ nhựa đựng thực phẩm phải có chứng nhận tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi theo nguyên lý khoa học, những hóa chất vẫn còn tồn lưu trong nhựa và sẽ hòa tan khi đựng thức ăn, nhất là thức ăn dạng dung dịch (mắm, tương, dấm…) và thức ăn nóng. Việc tùy tiện sử dụng các loại nhựa cho tất cả các mục đích là rất nguy hiểm và tôi khẳng định, họ đang làm láo. Những đồ nhựa này được sản xuất để đựng thức ăn chắc chắn sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân.

         

Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng không nên sử dụng các hộp xốp, hộp nhựa để đựng thức ăn, đồ uống đang nóng, thức ăn có nhiều dầu, mỡ, nước sôi. Đồng thời, không dùng để đựng các đồ chua như dưa muối, salad trộn dấm, nước chanh… Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, người tiêu dùng nên hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm trên để đựng thực phẩm.

 

Lê Anh

         

 

 

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang