Cũng như nhiều người nội trợ, chị Ánh Quỳnh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn thường chọn thịt bò để nấu ăn cho gia đình. “Thông thường, tôi hay chọn mua thịt bò nhập khẩu từ Úc, Mỹ, những loại khác hiếm khi ăn hơn”, chị tâm sự. Nhưng gần đây, khi nghe báo đài đưa tin nhiều về những loại thịt bò đông lạnh nhập khẩu không đảm bảo chất lượng, chị Quỳnh cũng phải dần từ bỏ thói quen đi chợ của mình và chuyển sang dùng những sản phẩm khác hoặc thịt bò tươi sống. Cùng chung một sở thích, chị Nguyễn Khánh Huyền (Mỹ Đức, Hà Nội) thường đi ăn cùng bạn bè ở những quán ăn nhanh hoặc đồ lẩu. Chị Huyền cho biết: “Mình và bạn bè sẽ ăn thịt bò Mỹ hoặc bò Úc vì nó rất phổ biến, quán nào cũng có”.
Thịt bò đông lạnh nhập khẩu phổ biến và đắt hàng là thế nhưng cũng có nhiều người tỏ ra nghi ngờ về nguồn gốc của chúng. Chị Nguyễn Quỳnh Trang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) băn khoăn: “Mấy loại thịt ấy mình cũng chỉ nghe tên gọi là bò Úc, bò Mỹ thôi. Còn nguồn gốc xuất xứ ở đâu, nhập từ nước nào thì không dễ biết được. Mình cũng chưa dùng thịt bò nhập khẩu đông lạnh bao giờ”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ nhập khẩu và kiểm dịch của các loại mặt hàng như thịt bò đông lạnh vốn được kiểm soát rất gắt gao để hạn chế dịch bệnh, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới như bây giờ. Đơn vị nào muốn kinh doanh mặt hàng này đều phải có được sự cho phép của Bộ Y tế và Cục Thú y.
Ông Đoàn Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, cho biết: “Các đơn vị có nhu cầu nhập khẩu loại thịt bò này phải gửi hồ sơ đăng ký nhập khẩu cho Cục Thú y. Hồ sơ này còn phải bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và mẫu đơn xin đề nghị kiểm dịch và các giấy tờ khác về điều kiện kinh doanh ví dụ như: an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy… Không phải cửa hàng, đơn vị kinh doanh nào muốn nhập thịt đông lạnh cũng được nhập tuỳ ý mà phải thực sự chấp hành các quy định kiểm dịch theo đúng pháp luật”.
Ngay giữa lòng Hà Nội, không khó để tìm những tổng kho cung cấp nguồn thịt bò đông lạnh. Căn nhà 4 tầng luôn đóng cửa kín mít ở hẻm 140/1/2, đường Nguyễn Xiển (Hà Nội), thực chất chính là một tổng kho luôn chứa hàng tấn thịt bò đông lạnh, cung cấp cho khách hàng có nhu cầu mua số lượng lớn. Theo như quảng cáo từ người bán hàng, những thùng thịt bò chứa trong kho đông lạnh “có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có hạn sử dụng lâu nếu được bảo quản tốt”. Nhưng khi được hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ mặt hàng, thông tin được đưa ra hết sức mập mờ và khó hiểu. Chủ kho khẳng định: “Mua bán thì chỉ cần hoá dơn giống như đi mua ngoài siêu thị thôi, chứ còn cần giấy tờ gì nữa?”. Mỗi thùng thịt bò đông lạnh dao động từ khoảng 17 – 32 kg và theo lời của chủ kho thì đều được nhập từ “cảng Hải Phòng”.
Tại một cơ sở chuyên nhập thịt bò đông lạnh thuộc địa phận huyện Hoài Đức (Hà Nội), chủ cơ sở cho biết việc bảo quản thực phẩm đông lạnh phải hết sức cẩn thận và kỹ càng mới có thể giữ được màu sắc, hương vị và đảm bảo được yếu tố dinh dưỡng. Song những thùng hàng ở đây được xếp chồng chéo, ngổn ngang trong kho, thậm chí không còn nguyên vẹn hình dáng. Người bán cho biết, mỗi lần nhập thịt bò đông lạnh, số lượng có thể lên đến hàng tấn. Đây cũng là đầu mối cung cấp thịt bò đông lạnh cho nhiều chuỗi siêu thị, nhà hàng trên địa bàn Hà Nội. Chủ cơ sở cũng cho biết: “Khách hàng chủ yếu là các siêu thị, đều lựa chọn hàng Mỹ. Nếu không có hàng Mỹ thì mới lấy hàng Úc”.
Trên thực tế, loại thịt bò đông lạnh được gọi là “nhập khẩu từ Mỹ, Úc” chính là các loại thịt vụn đông lạnh được xếp lại với nhau, nhập về Việt Nam được chế biến thành các món ăn đa dạng. Các tảng thịt bò đông lạnh chỉ được bảo quản bằng một lớp túi bóng quấn quanh rất sơ sài, không có tem mác nào khẳng định được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Hầu hết, nguồn gốc của thịt đều do người bán hàng cung cấp bằng miệng.
Theo Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, thịt bò đông lạnh nhập khẩu có nhiều loại. Loại thứ nhất là thịt bò miếng được dán lại với nhau bằng một loại keo để trở thành một tảng thịt bò lớn. Loại thứ hai là thịt bò không tốt về mặt chất lượng được “hô biến” từ chất lượng kém trở thành thịt bò tươi, mới tinh. Loại thứ ba thì hầu như không rõ được nguồn gốc xuất xứ. Cũng theo ông Ngữ: “Những loại thịt bò này ăn vào không gây nên ngộ độc cấp tính mà tạo ra hậu quả lâu dài với sức khoẻ”.
Quy định quản lý sản phẩm nhập khẩu động vật đã nêu rõ: thịt nhập khẩu phải còn hạn sử dụng trên 2/3 thời gian thì mới được cấp phép nhập khẩu. Quá trình thịt nhập khẩu lưu thông trên thị trường phải được quản lý chặt chẽ dưới sự theo dõi của thú y địa phương và lực lượng quản lý thị trường. Hàng khi xuất bán phải có giấy chứng nhận kiểm dịch đi kèm.
Sử dụng thực phẩm đông lạnh đang là xu hướng phổ biến của nhiều gia đình hiện nay. Do vậy, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng trong việc chọn mua thực phẩm đông lạnh nói chung và thịt bò đông lạnh nhập khẩu nói riêng, tránh mua phải loại kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khoẻ bản thân, gia đình.
Phương Lê