Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại Bộ Công Thương (VITIC) cho biết, 2 tháng đầu năm 2015, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày của nước ta đạt 658,42 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc với 232,83 triệu USD, chiếm 35,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 33,16% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là Hàn Quốc với 104,07 triệu USD, chiếm 15,8%, giảm 5,27%; Đài Loan với 64,27 triệu USD, chiếm 9,8%, tăng 19,01%; Hoa Kỳ với 40,83 triệu USD, chiếm 6,2%, giảm 0,48% so cùng kỳ.
Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may, da giày trong 2 tháng đầu năm 2015 từ hầu hết các thị trường đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014 như Canada, Áo và Singapore với mức giảm tương ứng 90,15%, 46,82% và 37,22% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, vẫn có một số thị trường kim ngạch tăng mạnh như: Ba Lan (tăng 191,15%, đạt 0,45 triệu USD), Brazil (tăng 99,7%, đạt 38,23 triệu USD), Anh (tăng 40,68%, đạt 2,25 triệu USD).
Theo VITIC, ngành Dệt may của nước ta hiện mới chỉ chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu trong nước, phần còn lại phải nhập khẩu, trong đó, nhập từ Trung Quốc chiếm tới 48%. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may phải nhập toàn bộ nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Lâu nay, mặt hàng sợi, xơ, kể cả thuốc nhuộm, hóa chất,… các công ty đều nhập từ thị trường này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề chi phí cho việc nhập nguyên phụ liệu từ thị trường khác.
Có một thực tế là một số nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc có giá rẻ, chỉ bằng khoảng 25-35% giá thành so với nhập từ Nhật Bản. Nếu thay đổi thị trường nhập nguyên phụ liệu, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tăng giá thành sản phẩm.
Như vậy, chỉ khi nào chúng ta đáp ứng được nguồn nguyên phụ liệu trong nước thì mới khống chế được giá. Ngay cả khi không nhập từ Trung Quốc mà nhập qua Lào, Campuchia (thực chất là hàng Trung Quốc xuất qua) giá nguyên phụ liệu cũng sẽ cao hơn so với nhập trực tiếp và giá sản phẩm vẫn bị đội lên.
Trước những diễn biến phức tạp của nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tìm hướng thoát khỏi việc nhập khẩu hoặc hạn chế tối đa nhập khẩu từ một thị trường bằng cách đa dạng hóa nguồn nguyên liệu.
Doanh nghiệp cần có mục tiêu xa hơn, để chủ động tham gia các hiệp định thương mại như TPP. Nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu chắc chắn sẽ không khai thác được lợi thế từ TPP.
Nguồn: Chinhphu.vn