Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:16:20 GMT+7
Lượt xem: 6465

Tin đăng lúc 09-05-2014

“Nhà khoa học nông dân” biến chất thải làng nghề thành phân vi sinh

Gặp lại “Nhà khoa học nông dân” Nguyễn Phi Sinh đầu tháng 4/2014 tại xã Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội), dáng người mảnh khảnh của anh vẫn không thay đổi là bao. Anh mới học hết lớp 3 rồi bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhưng nhờ niềm đam mê nghiên cứu, sau nhiều năm lặn lộn khắp Bắc vào Nam, anh đã “đẻ” ra một sáng chế mà người dân quê anh ban đầu cho là điên rồ, “biến chất thải làng nghề thành phân hữu cơ vi sinh” phục vụ nông nghiệp.
“Nhà khoa học nông dân” biến chất thải làng nghề thành phân vi sinh

Cái nắng đầu hạ đã thúc giục người dân làng nghề vào vụ sản xuất miến dong, bánh kèo… rất nhộn nhịp. Cái mùi hôi thối đặc trưng của làng nghề vẫn bao trùm bầu không khí nơi đây. Anh Sinh cười bảo: Cái mùi này chắc nhà báo đã quen, nhưng thú thật, nếu thiếu mùi hôi thối thì chắc làng nghề Dương Liễu sắp bị “khai tử”, các nghề truyền thống ở đây đã được người dân du nhập về từ lâu và đây đã trở thành “cần câu cơm” của người dân, nên việc hôi thối ai cũng biết là độc hại nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên lâu dần thành quen.

Do làng nghề sản xuất miến dong, tinh bột sắn, bánh kẹo… nên hàng ngày thải ra môi trường lượng lớn chất thải hữu cơ, dần dà các kênh mương, ao hồ của làng đã đầy, nhiều người dân “cõng” rác hữu cơ đó ra đồng bón ruộng, nhưng cũng chẳng được bao lâu bởi ruộng ngày một bồi cao, việc tháo nước vào ruộng để cấy lúa càng khó khăn. Do đó, người dân đã bỏ mặc chất hữu cơ đó để quay lại với sản phẩm phân hóa học, khiến cho tình trạng ô nhiễm làng nghề đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân, danh sách người trong xã chết do bệnh hiểm nghèo ngày một tăng. “Nhà khoa học nông dân” đã nhiều đêm thức trắng, trăn trở phải làm thế nào để làng nghề giảm lượng rác thải, hạn chế mùi hôi thối. Đã có lúc anh tâm sự với vợ bỏ nghề làm miến dong để chuyển nghề khác làm đỡ ô nhiễm hơn, nhưng vợ anh đã phản đối kịch liệt bởi 6 miệng ăn trong gia đình đều phải trông cậy vào nghề này. Cũng từ đó anh đã nung nấu tìm ra một nghề mới vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo được nguồn thu nhập cho gia đình. Anh Sinh tâm sự, một lần xem thời sự thấy có chương trình nói về một người nông dân ở miền Trung biến rác thải làng nghề thành phân vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp và ý tưởng biến rác thải hữu cơ của làng nghề thành phân vi sinh đã hiện về trong suy nghĩ của anh.

Trong tay không tiền, không một kinh nghiệm nào về sản xuất phân vi sinh, anh đã mạnh dạn tìm đến Viện Nghiên cứu thuộc Đại học Nông nghiệp 1 để trình bày ý tưởng và thật bất ngờ, các nhà khoa học đầu ngành Nông nghiệp đã nhiệt tình giúp đỡ anh về kỹ thuật. Vậy là gậy đã có trong tay, nhưng việc tìm nguồn vốn để biến giấc mơ thành hiện thực đang là bức tường rào ngăn cản anh. Nhưng rồi, chính ý tưởng của anh đã được người vợ ủng hộ và đồng ý thế chấp ngân hàng để lấy 65 triệu đồng và đồng thời bỏ nghề làm miến dong để tập trung 100% công sức, trí tuệ cho kế hoạch sản xuất phân vi sinh.

Năm 1995, anh đã đầu tư gần 50 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, máy móc, số tiền còn lại anh thuê nhân công và làm “công tác phí” cho việc đi lại nhiều lần lên Viện nghiên cứu để nhờ các nhà khoa học bổ sung thêm kiến thức.

Để có nguyên liệu sản xuất, anh cùng với người nhà, người lao động đi thu gom bã miến dong, bã bột sắn tại các kênh mương, ao làng và trong dân để ủ làm phân. Ban đầu anh chỉ sản xuất được khoảng 2 tấn phân/ngày, nhưng lượng phân tồn kho ngày một lớn, do người dân vẫn chưa tin tưởng phân vi sinh của “nhà khoa học nông dân” có thể cải thiện được đồng ruộng của họ. Nhưng rồi, chính anh là người đã mạnh dạn chơi “canh bạc” với người nông dân bằng việc đầu tư phân trước, thu hồi vốn sau và đưa ra cam kết, nếu dùng phân do anh sản xuất mà mùa vụ thất bát, cây trồng còi cọc anh sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Thời gian chờ đợi vụ thu hoạch mùa vụ đầu tiên khiến cho lòng anh như lửa đốt, bởi “canh bạc” này thất bại thì coi như dự án của anh trở thành công cốc, khoản nợ ngân hàng cũng sắp đáo hạn và khi đó gia đình phải ra đê ở là chuyện có thể xảy ra.

 

Box: Xã Dương Liễu có 12.914 nhân khẩu, gồm 14 cụm dân cư, có 35 công ty TNHH, trong đó 30 công ty tham gia vào quá trình sản xuất và chế biến nông sản, 200 hộ tham gia sản xuất với quy mô vừa. Mỗi ngày các cơ sở này thải ra 530 tấn rác hữu cơ.

Nhưng trời không phụ lòng người, vụ mùa đó người nông dân thắng lợi lớn, cây trồng cho năng suất cao gần gấp đôi so với trước đây. Tiếng lành đồn xa, UBND xã Dương Liễu, UBND huyện Hoài Đức đã ghi nhận thành quả của anh và nhân rộng ra toàn huyện. Không những thế, chính quyền còn quảng bá thương hiệu phân vi sinh của anh cho người nông dân trong huyện sử dụng.

Có thêm động lực, nhà khoa học nông dân quyết định đầu tư quy mô lớn hơn. Anh còn cất công đi tìm hiểu chất đất, độ bạc màu của từng cánh đồng để rồi sản xuất ra loại phân phù hợp cho người dân cải tạo đất. Phân sau khi làm khô, được nghiền nhỏ vụn, trộn các chất vi sinh theo đúng tỉ lệ, phù hợp với từng loại đất, sau đó mới đưa vào máy vo thành viên và đóng bao.

Đề tài của anh thật sự được chắp thêm cánh khi Cục Môi trường đã ký Quyết định số 466/MTg-KS ngày 21/5/2001 về việc công nhận sản phẩm phân bón của anh đạt chất lượng. Với quyết tâm, tận dụng nguyên liệu bã miến dong, với giá 150 đồng/kg đã góp phần tiêu thụ gần 50% chất thải của làng. Anh Sinh tâm sự: Nếu có mạnh thường quân góp vốn cùng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất thì sẽ tận thu hết được chất thải của làng nghề và khi đó mức độ ô nhiễm sẽ được kiểm soát.

Việc sản xuất phân vi sinh của anh từ bã miến dong, bã bột sắn… của làng nghề đã góp phần giảm thiểu môi trường, nên năm 2007, Cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ của Nhà khoa học nông dân đã vinh dự được nhận giải thưởng Cúp vàng Vì sự nghiệp bảo vệ môi trường. Cộng thêm phần thưởng từ người nông dân tin tưởng sử dụng sản phẩm phân vi sinh của anh, nên thương hiệu phân vi sinh của Nhà khoa học nông dân Nguyễn Phi Sinh đã không ngừng mở rộng ra thị trường các tỉnh thành phía Bắc.

Chia tay Nhà khoa học nông dân, chúng tôi không sao quên được câu nói của anh: “Giá như được Nhà nước quan tâm đầu tư vốn với cơ sở để mở rộng, vừa sản xuất ra phân bón phục vụ người nông dân sản xuất, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Chúng tôi, người cầm bút không mong rằng sau bài báo này sẽ có ngay sự quan tâm của Nhà nước đối với anh, nhưng tôi tin rằng cuộc đời sẽ đưa anh đến một ngã rẽ mới, thuận lợi và thành công hơn.

                      Doãn Xuân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang