Phát triển nở rộ trong vòng 5 năm trở lại đây, những ứng dụng OTT được người Việt Nam biết tới nhiều và sử dụng thường xuyên có thể kể tới vài cái tên quen thuộc như Facebook, Viber, Skype, Line hay Zalo,… Trong đó, theo thống kê, Zalo và Facebook là hai ứng dụng OTT đang được nhiều người sử dụng nhất. Zalo hiện có khoảng hơn 60 triệu người dùng, Facebook là hơn 30 triệu người và tiếp theo là Viber với con số 23 triệu người. Với những tiện ích đem lại như nhắn tin, gọi điện miễn phí đã tạo ra ưu điểm nổi bật nhất cho các OTT là tiết kiệm chi phí. Do đó, không khó hiểu khi các ứng dụng này đã thu hút được số lượng người sử dụng cực lớn và tất nhiên cũng trở thành mối đe dọa không hề nhỏ về doanh thu thoại, nhắn tin của các nhà mạng. Có thể thấy, hầu như người dùng điện thoại thông minh nào cũng cài đặt ít nhất một ứng dụng OTT để nhắn tin, nói chuyện với người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay thậm chí là cả đối tác trong công việc.
Ngay từ khi OTT bắt đầu xuất hiện, các nhà mạng đã ý thức rất rõ mối nguy từ những ứng dụng này đối với doanh thu của mảng thoại và tin nhắn. Để ứng phó, nhiều nhà mạng lớn trên thế giới đã chọn cách “đánh chặn” OTT bằng kỹ thuật hoặc tìm kiếm các lý do để có thể ngăn cản OTT bằng chính sách. Tuy vậy, điều này dường như ngược với quan điểm phát triển và tự do cho nên không trở thành giải pháp lâu dài cũng như không được người dùng ủng hộ. Một vài công ty viễn thông lại thử điều tiết các ứng dụng OTT và các nhà cung cấp thông qua Hội nghị Thế giới về Viễn thông quốc tế (WCIT) với hy vọng, WCIT sẽ là một phương tiện để khôi phục lại doanh thu bằng cách bắt đầu tính phí đối với các nhà cung cấp OTT. Nhưng thực tế, cách làm này cũng không mang lại hiệu quả như mong đợi. Giải pháp thực hiện có vẻ mang tính hài hòa nhất là hợp tác giữa nhà mạng và OTT cùng khai thác lợi thế hai bên. Thí dụ, Singtel (mạng viễn thông của Xin-ga-po) cung cấp khả năng thanh toán cho khách hàng dùng tiền trong tài khoản điện thoại để mua ứng dụng trên Google play hoặc mua sách trên Amazon,… Ngoài ra, không ít nhà mạng, trong đó có cả các doanh nghiệp Việt Nam quyết định cạnh tranh trực diện bằng cách tạo ra một OTT của riêng mình. Cuối năm 2014, VinaPhone chính thức ra mắt ứng dụng VietTalk, trở thành mạng di động Việt Nam đầu tiên đưa OTT ra thị trường. Đây là ứng dụng hoạt động giống như một Sim “ảo” cho phép người dùng nhắn tin gọi điện miễn phí trong ứng dụng và nhắn tin với mức phí thấp hơn đáng kể với các thuê bao không sử dụng ứng dụng. Tháng 4-2015, Viettel cũng ra mắt ứng dụng Mocha với nhiều tính năng mới hơn như chuyển tiền, gọi điện miễn phí nội mạng Viettel ra số điện thoại thông thường, cùng nghe nhạc,… MobiFone là nhà mạng “chậm chân” nhất khi phải đến cuối năm 2015 mới chính thức cung cấp tới khách hàng ứng dụng gọi điện thoại, nhắn tin qua in-tơ-nét với tên gọi WiTalk. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, chưa nhà mạng nào thật sự thành công với chiến lược này khi thị trường vẫn bị chiếm lĩnh hoàn toàn bởi Zalo và Facebook Messenger.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường OTT Việt Nam được ví như một “chảo lửa” vì đã từng “thiêu đốt” không ít tên tuổi lớn trong lĩnh vực này. Những cái tên từng một thời nổi đình nổi đám như Line, Kakao Talk,... cũng đã phải “không kèn, không trống” rút khỏi thị trường. Những tên tuổi còn bám trụ Mocha, VietTalk, WiTalk do nhà mạng trong nước tự phát triển hay ứng dụng xuyên biên giới như Skype, Viber,... cũng chỉ làm nền cho cuộc đua chính giữa Zalo và Facebook Messenger. Do đó, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi VNPT quyết định cho ra mắt một ứng dụng OTT hoàn toàn mới với tên gọi Karo. Giải thích về quyết định táo bạo này, đại diện VNPT cho biết: Các OTT đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu là các ứng dụng thuần về phục vụ người dùng mang tính cá nhân. Trong khi đó, nếu một doanh nghiệp muốn áp dụng OTT phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì hầu như chưa có một ứng dụng nào có thể đáp ứng đầy đủ. Do đó, việc có một ứng dụng OTT chuyên biệt dành cho khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam ở thời điểm này sẽ đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng và đây cũng là đặc điểm nổi bật nhất của Karo. Cụ thể, đây là một ứng dụng OTT cung cấp các dịch vụ truyền thông và giá trị cộng thêm theo mô hình hoạt động mạng xã hội doanh nghiệp riêng biệt, linh hoạt, an toàn với chi phí hợp lý, nhằm phát huy hiệu quả trong kinh doanh và hình thành văn hóa năng động trong các hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh các hình thức thông tin liên lạc thông thường như điện thoại, tin nhắn, Karo còn cho phép người dùng tích hợp các tính năng chuyên biệt cho doanh nghiệp như danh bạ công ty, tổng đài ảo, nhóm chat doanh nghiệp, bản tin nội bộ, bảo mật nội dung trực tuyến,... Một trong những điểm cộng khác là Karo còn giúp người sử dụng tiết kiệm chi phí rất đáng kể khi cho phép gọi điện ra các thuê bao di động và cố định của tất cả các mạng trong nước với giá rẻ hơn thông thường. Có thể nói, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các ứng dụng OTT khi đang thu hút phần lớn sự quan tâm của khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp tới các mảng kinh doanh truyền thống thì việc VNPT nghiên cứu và triển khai ứng dụng những OTT độc đáo, chuyên biệt của riêng mình có thể sẽ mang lại hiệu quả ngoài mong đợi; đây được cho là một trong những yếu tố giúp VNPT có thể giữ chân khách hàng doanh nghiệp, thậm chí còn giúp đón đầu những xu hướng phát triển mới trong ngành viễn thông như triển khai chuyển mạng giữ số trong thời gian tới. |
Nguồn Báo Nhân dân